Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho hay qua kiểm tra thị trường thấy nhiều chợ đầu mối vắng hoe.
Tết Nguyên đán là mùa mua sắm cuối năm song tình trạng cửa hàng kinh doanh đóng cửa lại diễn ra trên nhiều tuyến phố trung tâm như Kim Mã, Phố Huế, Giảng Võ… và thực trạng này diễn ra ở cả những phố cổ sầm uất của quận Hoàn Kiếm.
Những căn nhà mặt tiền cho thuê với giá từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng/tháng, nay bỏ trống… chờ khách tới thuê.
Nguyên nhân khiến tiểu thương trả mặt bằng là do kinh doanh offline ế ẩm nên chuyển lên online.
Tại Hội nghị Tổng kết ngành Công Thương mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, chia sẻ qua đi kiểm tra tình hình thị trường thấy rằng hiện nay đường phố Hà Nội cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa, cho thuê nhiều.
"Tới chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm) thấy vắng hoe, 2 giờ chiều nhiều tiểu thương đã đóng cửa, chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm) cũng vậy" - ông Kiên cho hay. Nguyên nhân là do doanh nghiệp chuyển sang bán trên kênh thương mại điện tử.
Theo số liệu khảo sát, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng. Với thị trường gần 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN… cho thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ và 208.995 doanh nghiệp bán buôn.