Hơn 40 năm trước, nạn phá rừng ở Cao Bằng bùng phát, tàn phá nghiêm trọng các cánh rừng đại ngàn, đẩy nhiều loài quý hiếm vào nguy cơ tuyệt chủng. Thế nhưng, giữa "cơn lốc" ấy, một số bản làng xa xôi của người dân tộc Tày, Nùng vẫn giữ được những cánh rừng nguyên sinh cùng những cây nghiến hàng nghìn năm tuổi. Vậy điều gì đã giúp người dân bản địa tạo nên sức mạnh phi thường ấy?
Rừng thiêng giữ bản, bản giữ rừng
Nằm cách trung tâm Thành phố Cao Bằng 60km, khi đặt chân đến xóm Bản Ngẳm, xã Cần Yên, huyện Hà Quảng (Thông Nông cũ), ta như lạc vào một khung cảnh cổ tích giữa đời thường. Nép mình giữa những dãy núi đá vôi cao ngút, bản làng nhỏ bé này vẫn giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ của những cánh rừng già, nơi những cây nghiến hàng trăm năm tuổi vươn mình sừng sững, tỏa bóng qua bao thế hệ.
Cuối xóm Bản Ngẳm, có một mỏ nước trong vắt, tuôn ra từ lòng đất đá, mát lạnh và tinh khiết. Mỗi dòng nước chảy, như chở theo sức sống của rừng, mang trong mình hơi thở của thiên nhiên.. Bên trên, những cây nghiến già vươn mình sừng sững, rễ cây to và mạnh mẽ như những cánh tay vững chãi ôm lấy đất. Chúng đâm rễ sâu vào lòng đất, hút lấy nguồn nước từ mạch ngầm. Với tuổi đời hàng trăm năm, cây nghiến phủ bóng mát xuống mỏ nước, như người canh giữ, che chở cho nguồn sống của cả làng. Tán lá dày đặc, xanh thẫm, tạo thành một mái vòm tự nhiên, bảo vệ và làm dịu mát không gian xung quanh.
Mỏ nước tại xóm Bản Ngẳm, nơi những cây nghiến hàng trăm năm sinh sống
Chia sẻ với phóng viên Thị Trường 24h, Chị Nông Thị Lạc, một người dân ở xóm, chia sẻ: "Từ nhỏ, các già làng đã dạy chúng tôi không được phép lên rừng chặt cây bừa bãi. Hồi đó tôi chưa biết việc đó có ý nghĩa gì, thế hệ chúng tôi chỉ biết ghi nhớ và làm theo. Sau này khi trưởng thành, tôi mới thấy tự hào vì xóm tôi là một trong số ít địa phương của tỉnh còn giữ được những gốc nghiến cổ thụ hàng trăm năm”.
Tiếp tục xuất phát từ thành phố Cao Bằng, men theo tỉnh lộ 207 đến huyện Hạ Lang, đi thêm khoảng 8km đường liên xã, chúng ta sẽ đến được xóm Túng Kít, xã Kim Loan. Đây là nơi lưu giữ những cánh rừng nghiến nguyên sinh còn sót lại, nổi bật với một cây nghiến cổ thụ có tuổi đời hơn 1.000 năm.
Những gốc nghiến hàng trăm năm tại xóm Túng Kít, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.
Ngay đầu làng, một ngôi miếu thờ Thổ Công nằm yên bình dưới tán cây cổ thụ, tỏa ra không khí thiêng liêng, lặng lẽ che chở cho cả bản. Cạnh miếu là dòng nước trong lành tuôn ra từ lòng đất. Dưới ánh mặt trời, dòng nước long lanh phản chiếu những bộ rễ cây nghiến mạnh mẽ, uốn lượn như những mạch máu lớn nuôi sống linh hồn của rừng.
Chính vì sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt, nên những cây nghiến phải mất hàng thế kỷ để lớn lên. Chính cái sự chậm lớn ấy đã tạo nên giá trị vô giá của gỗ núi đá – thứ gỗ mà từng thớ thịt cứng chắc, bền bỉ với thời gian.
Trước cơn lốc phá rừng dữ dội của nhiều thế kỉ trước, điều gì đã khiến những người dân ở xóm Bản Ngẳm (huyện Hà Quảng) và Túng Kít (huyện Hạ Lang) có thể kiên trì bảo vệ những cánh rừng già và cây nghiến cổ thụ đến ngày nay?
Ngọn đèn sáng trong cơn lốc phá rừng
Chia sẻ với phóng viên Thị Trường 24h, cụ Nông Vĩnh Phúc, vị già làng đáng kính của xóm Bản Ngẳm, xã Cần Yên (Hà Quảng), xúc động kể: “Suốt hơn 70 năm sinh sống ở đây, chúng tôi luôn ghi nhớ lời dạy của các cụ: làng chỉ có một đầu nguồn nước và một cánh rừng, nên dù nghèo đến mấy, dù không có nhà để ở, cũng tuyệt đối không được lên rừng chặt cây lấy gỗ. Làm vậy không chỉ mạo phạm thần rừng, thần nước, mà còn mang họa về cho cả làng. Mùa màng sẽ thất bát, ai xúc phạm thần linh sẽ bị ốm đau. Làng cũng có quy ước nghiêm khắc, nếu vi phạm sẽ phải nộp phạt ít nhất 5kg thịt, 5kg gạo, và nặng nhất là bị đuổi khỏi làng.”
Gốc nghiến gần 1000 năm tuổi tại Túng Kít, 5 người ôm vẫn chưa hết.
Bên cạnh lời kể của cụ Vĩnh là câu chuyện đầy cảm động của cụ Lăng Thị Nhình (xã Kim Loan, huyện Hạ Lang), người đã chứng kiến sự thay đổi qua nhiều thế hệ ở làng Túng Kít: "Đây là rừng thiêng! Hồi tôi còn nhỏ, làng đã có hôn ước không được vào rừng lấy củi, không thả trâu bò vào rừng, chuyện săn bắn thì tuyệt đối không được phép xảy ra. Đến tận ngày nay, không ai dám lên rừng chặt cây cả! Thậm chí, khi có bão, cây từ trên núi đổ xuống làng, cũng không ai dám chặt mà phải họp làng trước, thắp hương, làm lễ ở miếu Thổ Công, sau đó mới dám chặt và di chuyển cây đi. Nếu ai vi phạm lệ làng, dù vô tình hay cố ý, sẽ bị phạt và bị cả làng xa lánh."
Anh Nông Văn Đông, Trưởng xóm Túng Kít, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, tự hào nói: "Tôi vô cùng tự hào về những cây nghiến cổ thụ mà các thế hệ trước đã để lại. Nhờ những rễ cây vững chắc này, nguy cơ đá từ núi cao lăn xuống làng đã được giảm thiểu đáng kể. Không chỉ vậy, chúng còn giữ cho nguồn nước sinh hoạt chung của xóm luôn ổn định và sạch sẽ. Chính vì thế, bà con luôn chăm sóc và bảo vệ rừng với niềm kính trọng đặc biệt. Những quy ước về việc không được xâm phạm rừng đã ra đời và được duy trì hàng trăm năm qua."
Khi lời nguyền bảo vệ rừng thành di sản sống
Tuy nhiên, không phải khu rừng nào cũng may mắn được giữ gìn như ở Bản Ngẳm và Túng Kít, người dân nơi đây dù còn nghèo khó vẫn kiên quyết bảo vệ những cánh rừng còn lại.
Hiện nay, giá 1m³ gỗ nghiến bán tại rừng có thể lên đến hơn 30 triệu đồng, nhưng người dân xóm Bản Ngẳm và xóm Túng Kít, dù còn nghèo tuy nhiên không ai nghĩ đến việc đốn hạ cây gỗ quý đi bán kiếm lời.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hạ Lang, ông Vương Anh Dũng, chia sẻ với phóng viên: 'Trong 10 năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, chất lượng và diện tích rừng che phủ đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở khu vực Lũng Kít. Đây là khu rừng tự nhiên có yếu tố tâm linh, đặc biệt có cây nghiến di sản trên 1.000 năm tuổi, đường kính từ 1-2 mét, thậm chí có cây 3-4 người ôm không xuể. Ý thức bảo vệ rừng của người dân nơi đây rất cao, nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, người dân ngày càng có động lực để bảo vệ rừng tốt hơn, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá của địa phương.'
Giới trẻ thích thú khi chứng kiến rừng nghiến hàng nghìn năm tuổi tại Túng Kít
Những giá trị tâm linh, những luật tục nghiêm ngặt cùng với sự hỗ trợ từ chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo nên một “thế trận lòng dân” vững chắc. Đó không chỉ là bài học về bảo vệ rừng mà còn là lời nhắc nhở quý giá về mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Giữa những cánh rừng già, dòng nước mát lành vẫn ngày đêm tuôn chảy, mang trong mình hơi thở của đất trời và sức sống của lòng dân. Rừng thiêng không chỉ giữ bản làng mà còn giữ gìn niềm tin, bản sắc văn hóa, và một tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.