Năm 2024 ghi nhận rút lui của 165.000 nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Chi phí tăng cao, nhiều nhà bán hàng tìm hướng tránh phụ thuộc vào sàn thương mại điện tử.
Cách đây hơn 1 năm, khi nhận thấy các sàn thương mại điện tử có xu hướng tiếp tục tăng phí, anh Hậu đã quyết định thay đổi cơ cấu kênh bán hàng. Từ 100% kinh doanh trên sàn, nhà bán mở thêm hướng phân phối hàng sỉ. Kết quả kênh này đang đóng góp một nửa doanh thu, trong khi lợi nhuận tăng trưởng gần 20% so với thời chỉ kinh doanh trên sàn.
"Giảm bớt sự lệ thuộc vào việc bỏ hết trứng vào cùng 1 rổ. Khi sàn thương mại thay đổi thì chính doanh nghiệp chúng tôi sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên. Việc chia quả trứng bỏ nhiều rổ khác nhau sẽ giúp chúng tôi có thể tồn tại được trên con đường kinh doanh", anh Trịnh Trung Hậu, chủ Gian hàng trực tuyến Kho Hàng Đẹp chia sẻ.
Năm 2024 thị trường đã ghi nhận sự rút lui của 165.000 nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Giới phân tích cho rằng, cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử ngày càng gay gắt, những nhà bán hàng không thích ứng kịp sẽ bị đào thải, chuyển hướng. Việc các sàn vừa tăng phí, ước tính có thể đẩy tổng chi phí cho sàn lên đến 50% giá bán, sẽ càng khiến cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn. Các sàn thì lại cho rằng, việc tăng phí một phần là để đảm bảo quyền lợi cho chính các nhà bán hàng.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam cho hay: "Chúng tôi có điều chỉnh về phí theo định kỳ để đảm bảo quyền lợi cho những nhà bán hàng cũng như bảo đảm quyền lợi cho người mua hàng. Những nhà bán hàng địa phương, các sản phẩm thương hiệu Việt sẽ được nâng cao trình độ thông qua các chương trình tập huấn".