Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi tại 63 tỉnh, thành phố trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Đồng thời, Bộ cũng đưa ra 5 yêu cầu cốt lõi nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, minh bạch, không để xảy ra sai sót hay tiêu cực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố kế hoạch thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trong đó nhấn mạnh việc siết chặt công tác kiểm tra coi thi thông qua việc thành lập 63 đoàn kiểm tra tại tất cả các Sở GD&ĐT trên cả nước.
Việc kiểm tra sẽ được thực hiện trực tiếp tại các điểm thi trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, với thành phần là cán bộ, giảng viên cơ hữu của các cơ sở đào tạo do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT điều động. Mỗi điểm thi sẽ có một tổ kiểm tra trực tiếp, gồm tối thiểu 2 đến 4 người tùy theo số lượng phòng thi (dưới 20 phòng: tối thiểu 2 người; từ 20–40 phòng: tối thiểu 3 người; từ 41 phòng trở lên: tối thiểu 4 người).
Ảnh minh hoạ
Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi cũng như hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các hội đồng thi và điểm thi. Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra, giao thủ trưởng cơ sở đào tạo có cán bộ được điều động làm trưởng đoàn, đồng thời phê duyệt kế hoạch tiến hành kiểm tra. UBND cấp tỉnh và các Sở GD&ĐT cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra riêng nhằm đảm bảo tính giám sát đa tầng, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 5 yêu cầu cốt lõi đối với công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Thứ nhất, tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra kỳ thi phải tuân thủ đúng quy định pháp luật và quy chế thi; đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời, đồng thời không gây cản trở đến hoạt động bình thường của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Thứ hai, phân định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của Bộ GD&ĐT, UBND cấp tỉnh, các Sở GD&ĐT và cơ sở đào tạo trong từng khâu tổ chức và giám sát kỳ thi. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi; UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trên địa bàn tỉnh; các Sở GD&ĐT và cơ sở đào tạo được tăng cường phân cấp, phân quyền để chủ động phối hợp thực hiện.
Thứ ba, hoạt động thanh tra, kiểm tra cần được tổ chức linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc độc lập, không bỏ sót, không để trống điểm giám sát và không bị động trong xử lý tình huống.
Thứ tư, việc tổ chức các đoàn thanh tra phải khoa học, hợp lý, tránh chồng chéo nhiệm vụ. Bộ cũng yêu cầu điều động cán bộ giám sát từ các cơ sở đào tạo ngoài địa phương nhằm bảo đảm tính khách quan.
Thứ năm, toàn bộ hoạt động giám sát phải hướng đến mục tiêu cao nhất là giữ gìn sự nghiêm túc, an toàn, công bằng và minh bạch của kỳ thi – từ khâu coi thi đến chấm thi.
Thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm tra, thanh tra kết hợp phân cấp rõ ràng và kiểm soát chặt chẽ theo 5 nguyên tắc cốt lõi, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 kỳ vọng sẽ được tổ chức nghiêm túc, hạn chế tối đa vi phạm, sai sót và tạo niềm tin vững chắc cho toàn xã hội./.