VTV.vn - Thuật ngữ Shinrin-yoku (Tắm rừng) ra đời từ những năm 1980 ở Nhật Bản. Dành một chút thời gian, nhắm mắt lại, để sự tĩnh lặng xung quanh tác động đến tâm trạng của bạn...
Cuộc sống hiện đại và tình trạng ô nhiễm môi trường khiến con người dễ rơi vào trạng thái rối loạn lo âu, trầm cảm, kéo theo đó là hàng loạt vấn đề về sức khoẻ. Theo Vụ Dân Số Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050, 75% dân số thế giới (ước tính khoảng 9 tỷ người) sẽ sống ở các thành phố. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định stress là mối đe doạ lớn nhất cho sức khoẻ cộng đồng trong thế kỷ 21 này. Vào năm 1982, Nhật Bản đã có những chương trình nghiên cứu nhằm khuyến khích người dân trở về với thiên nhiên để thư giãn và nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên. Thuật ngữ Shinrin-yoku (Tắm rừng) ra đời bởi ông Tomohide Akiyama, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Thuỷ sản Nhật Bản.
“Tắm rừng” là việc con người đắm mình và kết nối với thiên nhiên thông qua các hoạt động như đi bộ thư giãn, ngồi thiền, hít thở không khí trong lành. Trong cuốn sách “Shinrin-yoku - Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật”, tác giả, bác sĩ Qing Li cho biết, ngoài việc có hàm lượng oxy cao, không khí trong rừng còn vô cùng dồi dào phytoncide (là tinh dầu do cây tiết ra để chống các loại vi khuẩn, sâu bọ, nấm...). Tiếp xúc với phytoncide giúp chúng ta tăng cường hệ miễn dịch, giảm đáng kể nồng độ hormone căng thẳng, ức chế hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, giúp cân bằng hệ thần kinh và đem lại cảm giác thư giãn dễ chịu. Được đắm chìm trong các mảng xanh của cây cối, lắng nghe thanh âm tự nhiên hay chạm vào vỏ cây, đất, đá... mang lại nhiều kết quả tích cực cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của chúng ta. Thực hành tắm rừng khoảng 2 giờ mỗi ngày giúp giảm huyết áp, ổn định nhịp tim, cho giấc ngủ ngon và sâu hơn bình thường.
Xúc chạm với rừng bằng tất cả các giác quan sẽ giúp con người nhận được tối đa năng lượng tốt lành từ thiên nhiên.
Du lịch “tắm rừng” đang trở thành xu hướng
Thay vì các hình thức du lịch nghỉ dưỡng hay chơi team building như trước đây, một công ty tại Quận 7. TP Hồ Chí Minh đã chọn hình thức du lịch tắm rừng. Ai cũng háo hức cho chuyến tắm rừng đầu tiên tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau lần này.
Đi vỏ lãi xuyên qua các con rạch giữa Vườn quốc gia bạt ngàn, du khách không chỉ tham quan, hít thở không khí trong lành hay check-in như các chuyến du lịch khác, mà họ phải trầm mình dưới bùn, quần áo, mặt mũi lấm lem. Khi thủy triều rút, nước lưng chừng đầu gối, cánh đàn ông được giao đóng cọc, phụ nữ thì giăng lưới để tạo thành khu vực khoanh nuôi, tái sinh rừng ngập mặn tại mũi đất cực Nam của Tổ quốc.
Du khách trải nghiệm tắm rừng ở VQG Mũi Cà Mau. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia)
Chuyến du lịch trở nên ý nghĩa hơn khi mọi người được cùng nhau tái sinh rừng. (Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia)
Chị Nguyễn Thu Vân (TP. Hồ Chí Minh) hào hứng: "Mình đã đi du lịch khắp nơi từ Á sang Âu, đến bây giờ mình mới biết được hình thức du lịch tuyệt vời này. Đây cũng là lần đầu tiên mình có cơ hội đi trồng rừng. Qua đó mình còn hiểu biết hơn về bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng để kể cho các con cháu của mình ở nhà".
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết: "Nó sẽ giống như rất nhiều chuyến du lịch, mình cũng đi vào rừng, được thư giãn, nhưng khác ở đây là mọi người sẽ hiểu biết hơn về thiên nhiên, sẽ yêu mến khu rừng hơn. Chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn mọi người các cách để bảo vệ rừng như góp cây, trồng cây trong các chuyến đi để hướng tới sự bền vững hơn, để con người có thể sống hòa hợp hơn với thiên nhiên".
Tận hưởng những ưu đãi từ thiên nhiên
Việc tiếp xúc với rừng bằng tất cả các giác quan sẽ giúp con người nhận được tối đa năng lượng tốt lành từ thiên nhiên. Đặc biệt, thiên nhiên rất tốt cho sự phát triển tâm lý và thể chất ở trẻ em. Nếu dành nhiều thời gian ở ngoài trời, trẻ sẽ bớt ốm yếu và căng thẳng, có nhiều niềm vui hơn so với việc bị bao quanh bởi các thiết bị công nghệ như hiện nay. Dành một chút thời gian để tận hưởng môi trường xung quanh; lắng nghe tiếng chim hót ríu rít, bụi cây xào xạc, dòng suối chảy róc rách, tiếng ngựa hí, đàn cừu đang gặm cỏ; chạm vào thảm rêu xanh mướt, mềm mại phủ trên những hòn đá hay vỏ cây xù xì... Hãy để sự tĩnh lặng giúp bạn quên đi những lo âu, hối hả của cuộc sống.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có hơn 300 triệu người trên toàn cầu mắc rối loạn trầm cảm. Mỗi năm có khoảng gần 20 triệu trường hợp mắc mới ung thư và trên 10 triệu ca tử vong vì căn bệnh này. Các bác sĩ trên thế giới hiện đang dần yêu cầu bệnh nhân dành thời gian trong thiên nhiên thay vì uống thuốc để điều trị một loạt các bệnh, từ chứng nghiện và trầm cảm đến huyết áp cao, béo phì và tiểu đường. New Zealand từ lâu đã nổi tiếng với chương trình “đơn thuốc xanh” vốn đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng theo. Từ năm 2009, dự án quốc gia ParkRx tại Mỹ không ngừng khuyến khích người dân sử dụng rừng, công viên và các tuyến đường mòn để cải thiện sức khỏe. Chính phủ Hàn Quốc đã bỏ ra 14 triệu đôla Mỹ để xây dựng Trung tâm Liệu pháp Rừng quốc gia, phát triển 37 khu rừng giải trí thuộc nhà nước, và đào tạo 500 huấn luận viên liệu pháp rừng.
Nhiều quốc gia đang kiến tạo một quốc gia xanh thịnh vượng, nơi rừng đem lại hạnh phúc cho toàn dân.
Việt Nam có tới 34 vườn quốc quốc gia, rất nhiều trong số đó an toàn và phù hợp cho việc tham quan, trekking và tắm rừng. Còn nếu bạn ở thành phố thì việc dành thời gian mỗi ngày để đi bộ trong các công viên, vườn bách thảo hay tự trồng cây trong không gian sống của mình cũng rất tốt. Tắm rừng không chỉ là một liệu pháp chữa lành từ thiên nhiên cho con người, mà còn khơi gợi tinh thần yêu thiên nhiên trong tất cả chúng ta. Càng kết nối với thế giới tự nhiên, chúng ta càng có nhu cầu chăm sóc, bảo tồn nó cho thế hệ mai sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!