Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo các cơ quan chính phủ đề xuất mức thuế đối ứng hay "có đi có lại" với từng quốc gia để tái cân bằng quan hệ thương mại.
Tuy nhiên, các cơ quan này có thể sẽ mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, để điều tra và đánh giá trước khi đưa ra đề xuất về thuế mới vì 200 đối tác thương mại của Mỹ có biểu thuế riêng, gồm hàng nghìn mã thuế quan.
Ông Howard Lutnick, người được đề cử giữ chức Bộ trưởng Thương mại cho biết, tất cả nghiên cứu và đề xuất về mức thuế "có đi có lại" sẽ hoàn tất vào ngày 1/4 và Tổng thống Donald Trump có thể hành động ngay lập tức sau đó.
Theo tính toán, mỗi thành viên trong số 186 thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới đều có mức thuế suất khác nhau. Đây là áp lực rất lớn tới Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ.
Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB đánh giá: "Sẽ rất phức tạp khi thiết kế một hệ thống thuế quan có tính đối ứng, có đi có lại hoàn toàn với gần 200 nước và áp dụng cho tất cả các sản phẩm. Đó là chưa kể đến thách thức trong việc xác định mức tổn thất xuất khẩu của Mỹ do tác động từ cácchính sách tài khóa và trợ cấp của các nước khác".
Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ - Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, theo tiết lộ từ Nhà Trắng, cách tiếp cận này trước tiên sẽ chỉ xem xét áp thuế với những nước có thặng dư thương mại cao nhất với Mỹ. Trong năm ngoái, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với thế giới đạt kỷ lục 1.200 tỷ USD.
Hiện nay, khoảng 70% loại hàng hóa được miễn thuế khi nhập khẩu vào Mỹ. Trong các cuộc đàm phán trước đây tại WTO, Mỹ không thể thuyết phục Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa của mình. Do vậy, những nước này có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi Mỹ chính thức áp thuế "có đi có lại".
"Điều này sẽ gây ra làn sóng chấn động khắp nền kinh tế thế giới. Khi các nước này trả đũa, họ sẽ làm tổn thương chính mình, nhưng cũng làm tổn thương các nhà xuất khẩu Mỹ", ông Joseph Foudy - Trường Đại học New York, Mỹ nhận định.
Quyết định điều chỉnh mức thuế nhập khẩu theo nguyên tắc "có đi có lại" của Mỹ được cho sẽ đánh dấu cuộc đại tu mạnh mẽ của hệ thống thương mại toàn cầu. Bởi trong hàng thập kỷ qua, Mỹ luôn xem việc tiếp cận thị trường của nước này và sự cởi mở thương mại là những lợi thế kinh tế.
Nếu Mỹ tăng thuế quan vượt quá mức tối đa đã đàm phán với các thành viên WTO khác, điều đó cũng sẽ phá vỡ các quy tắc thương mại của WTO, có thể châm ngòi cho các vụ khiếu kiện./.