VTV.vn - Nhờ cấy ghép một thiết bị điện tử vào não và tủy sống, một bệnh nhân 40 tuổi tại Hà Lan bị liệt suốt 12 năm hiện đã có thể đứng dậy và đi lại được.
"Công nghệ gửi trái tim" là cụm từ được dùng để nói về những công nghệ được tạo nên nhằm mang lại giá trị và tạo ra ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng. Từ ý tưởng, mục tiêu đến thiết kế của những công nghệ này đều nhằm vào việc phục vụ con người, đặc biệt là phổ cập cho mọi đối tượng, dù họ có là ai, ở đâu, vào bất cứ lúc nào để rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo, góp phần vào công bằng xã hội nhờ công nghệ.
Một bệnh nhân 40 tuổi tại Hà Lan bị liệt suốt 12 năm hiện đã có thể đứng dậy và đi lại được nhờ cấy ghép một thiết bị điện tử vào não và tủy sống. Anh thậm chí còn có thể leo cầu thang. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Đại học Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ.
Gert-Jan Oskam từng phải chấp nhận sự thật rằng mình không bao giờ đi lại được nữa sau khi bị chấn thương tủy sống trong một vụ tai nạn giao thông vào năm 2001. Tuy nhiên, giờ anh đã có thể leo cầu thang, đi bộ mỗi lần hơn 100 m. Đây cũng là lần đầu tiên anh có thể thực hiện những việc này kể từ sau ca phẫu thuật giữ tính mạng vào 12 năm trước.
Những bước đi của Oskam là nhờ bước tiến của khoa học công nghệ, cụ thể là cây cầu không dây kỹ thuật số giúp anh di chuyển được chỉ trong vòng vài ngày.
Công nghệ này được gọi là giao diện não - máy tính, được tạo thành bởi hai thiết bị cấy ghép điện tử, một ở não và một ở tủy sống. Thiết bị thứ nhất được đặt trên vùng não, chịu trách nhiệm kiểm soát cử động chân, có thể quyết định những tín hiệu điện được tạo ra khi Oskam nghĩ đến việc đi lại. Thiết bị còn lại được đặt trên vùng tủy sống điều khiển đôi chân.
Oskam là người đầu tiên tham gia thử nghiệm, tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đang xem xét khả năng áp dụng công nghệ này cho việc phục hồi chức năng ở cánh tay. Các nhà nghiên cứu cũng hy vọng có thể ứng dụng công nghệ này trong việc điều trị các bệnh khác như chứng tê liệt do đột quỵ.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang tìm cách giảm kích thước của thiết bị hỗ trợ để dễ dàng hơn cho người bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!