Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Siết chặt quản lý nhưng liệu có giải quyết tận gốc?

Ban Thời sự - Thứ năm, ngày 13/02/2025 10:07 GMT+7

Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2, với nhiều điểm mới so với quy định trước đây.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Siết chặt quản lý nhưng liệu có giải quyết tận gốc?
Thông tư 29 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định dạy thêm, học thêm sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2.

Dạy thêm, học thêm là nhu cầu và là nguyện vọng chính đáng của một bộ phận học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, bên cạnh sự tự nguyện, xuất hiện hành vi tiêu cực là ép buộc học thêm với nhiều hình thức khác nhau. Từ ngày 14/2 tới, Thông tư 29 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định dạy thêm, học thêm sẽ chính thức có hiệu lực. So với quy định hiện hành, thông tư này có nhiều điểm mới, thu hút sự quan tâm và gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm quy định đối với bậc tiểu học không dạy thêm văn hóa trừ dạy kỹ năng sống, thể thao, nghệ thuật. Đối với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông trong nhà trường chỉ dạy thêm học sinh yếu hoặc học sinh giỏi, học sinh lớp cuối cấp nhưng không được thu tiền. Ngoài nhà trường, giáo viên muốn dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, không được dạy thêm thu tiền học sinh chính khóa dù ở nhà hay ở trung tâm.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết, một nền giáo dục không có dạy thêm, học thêm là mong ước của mọi quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại ở nước ta, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân xuất phát từ thu nhập của giáo viên, khiến họ phải dạy thêm để cải thiện đời sống. Nhưng để giải quyết tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, liệu có thể quy kết rằng tất cả giáo viên dạy thêm đều thiếu đạo đức nghề nghiệp, không yêu thương học trò, hay ép buộc học sinh học thêm?

"Vậy nguyên nhân thực sự có phải do áp lực của các kỳ thi? Do kỳ vọng và mong muốn thành tích của nhà trường và phụ huynh, khi ai cũng muốn con mình phải giỏi hơn người khác? Hay do chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta đang quá tải?", cô Hồng trăn trở.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ về vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay..webp

Cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ về vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay.

Theo cô Hồng, trước đây, nhà trường vẫn tổ chức bồi dưỡng miễn phí cho học sinh, nhưng diễn ra theo từng kỳ thi. Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 29, việc yêu cầu giáo viên dạy miễn phí trong thời gian dài có thể tạo ra áp lực lớn đối với họ.

"Giáo viên dạy chính khóa đã đảm nhiệm 19 tiết học mỗi tuần, còn phải soạn bài, chấm bài, tham gia các hoạt động của nhà trường. Thêm vào đó, họ còn phải hỗ trợ học sinh ngoài giờ, đảm bảo an toàn và theo sát các em. Yêu cầu dạy thêm miễn phí liệu có công bằng với giáo viên hay không?", cô Hồng bày tỏ.

Cũng theo cô Hồng, hiện không có chế tài nào quy định việc bồi dưỡng thêm cho giáo viên thực hiện nhiệm vụ dạy thêm, ngân sách nhà nước cũng không thể chi thêm để ưu tiên hỗ trợ giáo viên phụ đạo học sinh yếu kém hay bồi dưỡng học sinh giỏi. Theo quy định, tất cả giáo viên đều phải dạy đúng số tiết chính khóa theo quy định, đồng thời tham gia các hoạt động do hiệu trưởng và cấp trên phân công. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý là làm thế nào để đảm bảo sự công bằng giữa giáo viên được giao nhiệm vụ dạy phụ đạo và những giáo viên không tham gia.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có sáu điểm mới so với quy định hiện hành. Trước đây, dạy thêm trong nhà trường được thu phí theo thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh và nhà trường. Tuy nhiên, theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 14/2 tới, dạy thêm trong nhà trường sẽ hoàn toàn không được thu tiền. Bên cạnh đó, nếu trước đây học sinh chỉ cần có nguyện vọng và viết đơn là có thể tham gia học thêm trong nhà trường, theo quy định mới, chỉ ba nhóm đối tượng được phép học thêm, gồm: học sinh có kết quả chưa đạt, học sinh giỏi và học sinh cuối cấp.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có sáu điểm mới so với quy định hiện hành..webp

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có sáu điểm mới so với quy định hiện hành.

"Giáo viên được hưởng lương từ ngân sách và sử dụng cơ sở vật chất của Nhà nước để giảng dạy, giáo dục học sinh, do đó, việc thu tiền dạy thêm trong trường là không hợp lý. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là cấm dạy thêm, học thêm, mà là cần có quy định rõ ràng để quản lý tốt hoạt động này. Giữa việc học sinh tự nguyện học thêm và bị ép buộc có một ranh giới rất mong manh. Hiện tại, chưa thể có giải pháp hoàn hảo đáp ứng đầy đủ mọi đối tượng, nên trước mắt, Bộ quy định giáo viên không được dạy thêm cho chính học sinh mà mình trực tiếp giảng dạy trên lớp. Giáo viên cần tập trung hết tinh thần trách nhiệm, phương pháp giảng dạy, và tâm huyết để đảm bảo chất lượng giờ học chính khóa. Trong khi đó, học sinh vẫn có quyền lựa chọn giáo viên khác để học thêm theo đúng quy định", ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ quan đểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy thêm, học thêm hiện nay..webp

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ quan đểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy thêm, học thêm hiện nay.

"Tất cả những người làm công tác giáo dục, đều tận tâm giảng dạy, cố gắng hết sức trên lớp để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế là sĩ số lớp học đông, nên rất khó để cá thể hóa việc giảng dạy cho từng em. Không phải học sinh nào cũng có thể nắm bắt bài học một cách đồng đều, và việc đảm bảo tất cả các em đạt điểm trung bình trở lên không hề đơn giản. Đặc biệt, đối với những học sinh chuẩn bị thi vào trung học phổ thông, áp lực học tập rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng. Chính vì vậy, nhiều giáo viên mong muốn được hỗ trợ học sinh một cách trực tiếp, giúp các em vượt qua những ngưỡng học tập mà mình đang cố gắng chinh phục. Việc nâng điểm từ bốn lên năm, hay từ tám lên chín, mười không hề đơn giản, và bất kỳ ai làm công tác giảng dạy đều có thể hiểu được điều này", cô Hồng chia sẻ.

Thông tư 29 quy định rằng giáo viên có thể xin phép dạy thêm ngoài nhà trường nếu được thủ trưởng đơn vị phê duyệt. Tuy nhiên, điều này đặt ra nhiều băn khoăn: Làm thế nào để lãnh đạo nhà trường có đủ thông tin chính xác để phê duyệt một cách công bằng, tránh tình trạng giáo viên không được chấp thuận cảm thấy bị trù dập?

"Vấn đề đặt ra là nhà trường sẽ dựa trên căn cứ nào để phê duyệt giáo viên được phép dạy thêm? Quy trình xác nhận này sẽ thực hiện ra sao? Các trung tâm dạy thêm cũng gặp khó khăn trong việc xác minh thông tin từ phía nhà trường. Liệu họ có thể nhận giáo viên dạy thêm khi chưa có sự xác nhận rõ ràng, hay sẽ phải tìm giảng viên từ các trường cao đẳng, đại học – những người chưa quen với việc giảng dạy học sinh trung học? Do đó, rất cần sự hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ các cấp quản lý để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong thực hiện quy định mới", cô Hồng nhấn mạnh.

Cô Hồng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến học thêm vẫn còn tồn tại chính là áp lực từ các kỳ thi. Việc tuyển sinh vào trung học phổ thông, đặc biệt ở những khu vực có tỷ lệ chọi cao như Hà Nội, khiến nhiều gia đình phải chạy đua tìm suất vào trường công lập. Khi tỷ lệ cạnh tranh có thể lên đến 1 chọi 5, hoặc ít nhất là 1 chọi 2, nhiều học sinh không có cơ hội vào trường công nếu không có học bạ tốt và lực học vững vàng. Chính vì mong muốn đạt điểm cao và có suất vào trường công lập, nhiều học sinh chọn học thêm, bởi chương trình giảng dạy trong nhà trường chủ yếu cung cấp kiến thức cơ bản.

Bộ Giáo dục vẫn khẳng định rằng chương trình học hiện nay hợp lý và không quá tải. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng với lượng kiến thức cần thiết cho các kỳ thi quan trọng, thời gian học trên lớp vẫn chưa đủ, dẫn đến nhu cầu học thêm, dạy thêm trở thành chủ đề gây tranh cãi suốt nhiều năm qua.

Dù có đề xuất cấm hoàn toàn dạy thêm, học thêm, nhưng thực tế cho thấy nhu cầu này vẫn tồn tại. Thay vì tư duy "không quản được thì cấm", cần có giải pháp hợp lý để điều tiết hoạt động này một cách hiệu quả. Ngay cả khi Thông tư 29 có hiệu lực trong tuần này, bài toán về một giải pháp toàn diện vẫn chưa có lời giải rõ ràng. Về lâu dài, điều quan trọng nhất là phải định hướng giáo dục phù hợp, bởi trên thế giới, rất ít quốc gia phải đau đầu quản lý vấn đề dạy thêm, học thêm như ở Việt Nam./.

Bài liên quan
Nghiên cứu được dẫn đầu bởi Shi Zhengli - một nhà virus học, người nổi tiếng nhất với công trình nghiên cứu về virus corona tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Nghiên cứu được dẫn đầu bởi Shi Zhengli - một nhà virus học, người nổi tiếng nhất với công trình nghiên cứu về virus corona tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Thuốc lá điện tử có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
13/02/2025
Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) gần đây tiếp nhận một bệnh nhân nam 66 tuổi, trong tình trạng đau đầu dữ dội, co giật méo miệng, yếu nhẹ nửa người phải.
13/02/2025
Sở Y tế Hà Nội đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị có hành vi lợi dụng tăng giá thuốc Tamiflu.
13/02/2025
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) vừa thực hiện một ca mổ cấp cứu cho một thanh niên 21 tuổi bị thủng tim do tai nạn lao động hy hữu.
13/02/2025
Tin mới