VTV.vn - Các nhà đầu tư lớn nước ngoài nhìn nhận Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư sản xuất mà còn giúp họ hiện thực hóa chiến lược nghiên cứu và phát triển những lĩnh vực mới.
Việt Nam là một trong những điểm đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, nhất là dòng vốn chất lượng cao khi ngày càng nhiều các tên tuổi về công nghệ như NVIDIA, Google, Meta rất quan tâm đến Việt Nam.
Meta dự kiến sẽ tạo ra hơn 1.000 việc làm và hàng triệu USD cho Việt Nam, nhờ vào việc sản xuất kính thực tế ảo. Đây là một trong những kết quả hợp tác giữa Việt Nam và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới thông qua sự kết nối và đầu mối Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.
Ông Nick Clegg - Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu, Tập đoàn Meta cho biết: "Chúng tôi đã quyết định sẽ sản xuất kính thực tế ảo tại Việt Nam. Hoạt động này sẽ tạo ra hơn 1.000 việc làm mới, giúp Việt Nam ở vị trí trung tâm của bản đồ thế giới về các sản phẩm và công nghệ vũ trụ ảo metaverse".
Theo báo cáo về tác động kinh tế Đông Nam Á của Google, với cộng đồng khởi nghiệp năng động, tỷ lệ người trẻ am hiểu công nghệ chiếm 20% dân số và các chính sách khuyến khích của Chính phủ, Việt Nam có vị thế tốt để tận dụng cơ hội từ AI. Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa cơ hội này phải có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn nhân lực để đồng hành lâu dài với các nhà đầu tư
"Chúng tôi chú trọng kết hợp với các nhà trường để lấy nguồn nhân lực. Với các lĩnh vực đổi mới sáng tạo thì nhân lực là yếu tố sống còn vì thế mấu chốt là làm sao thúc đẩy nhanh kỹ năng thực hành, kiểm thử của các kỹ sư trẻ, chuyên môn sâu điện điện tử, bán dẫn", ông William Liu - Tổng phụ trách Trung tâm Quản lý nguồn nhân lực, Công ty Goertek Vina cho biết.
Việt Nam là một trong những điểm đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, nhất là dòng vốn chất lượng cao. Ảnh minh họa.
Ngoài việc chuẩn bị nguồn nhân lực, theo báo cáo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả của chuyển các nguồn lực đầu vào như thể chế, cơ sở hạ tầng, thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
Ông Daren Tang - Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đánh giá: "Chúng tôi biết rằng, Việt Nam rất coi trọng sự đổi mới sáng tạo, đề cao giá trị của tài sản trí tuệ. Việt Nam đang sử dụng hiệu quả các công cụ để đo lường, đánh giá và khuyến khích đổi mới. Và càng đổi mới sáng tạo Việt Nam càng thu hút được thêm dòng vốn đầu tư chất lượng cao đến với mình".
4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trên 200 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo… đang hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững tại Việt Nam. Đây cũng chính là nguồn lực đối ứng của Việt Nam cùng với nhà đầu tư nước ngoài để 2 bên cùng thắng trong kỷ nguyên số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!