Sáng 18/5, tại Hội nghị Trực tuyến quán triệt Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Nghị quyết 57, Nghị quyết 59, Nghị quyết 68, Nghị quyết 66 là “Bộ tứ trụ cột” để giúp đất nước cất cánh.
Phát biểu tại Hội nghị Trực tuyến quán triệt Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW, Tổng Bí thư Tô Lâm nói: "Chúng ta đang chứng kiến những chuyển biến sâu sắc chưa từng có trên phạm vi toàn cầu về địa chính trị, địa kinh tế, về cạnh tranh chiến lược, về sự dịch chuyển mạnh mẽ của các trung tâm kinh tế, bùng nổ khoa học công nghệ, cùng với những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh truyền thống và phi truyền thống. Những chuyển động này vừa tạo thách thức, vừa tạo cơ hội cho tất cả các quốc gia. Ai nắm được cơ hội, vượt qua thách thức thì sẽ thành công. Nếu không thì kết quả sẽ ngược lại và sẽ rơi vào hoàn cảnh “trâu chậm uống nước đục”.”
Tổng Bí Thư cho biết: Sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có thể nói là những thành tựu vĩ đại: kinh tế tăng trưởng liên tục, đời sống nhân dân được nâng cao, vị thế quốc tế không ngừng được củng cố.
“Chúng ta có quyền tự hào, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: phía trước còn nhiều thách thức gay gắt, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, không được ngủ quên bên vòng Nguyệt quế, không được chậm trễ, càng phải không ngừng đổi mới, cải cách, phát huy mọi nguồn lực và động lực trong xã hội, trong nhân dân, triển khai một cách sâu sắc, toàn diện, quyết liệt, quyết tâm đạt được mục tiêu lớn đã đề ra. Những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc.” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cho biết, trong những hoạt động đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá, có 4 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 57 của Bộ chính trị: thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng ; Nghị quyết 68: phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
“Đến thời điểm hiện nay có thể gọi 4 Nghị quyết trên là “Bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh. Vì vậy Tôi kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy chung tay, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt.” – Tổng Bí Thư nói.
Tổng Bí thư cho biết: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng của toàn dân tộc và nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã đạt được những thành tựu toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; chúng ta đã vượt qua các cú sốc toàn cầu, kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, phục hồi nhanh nền kinh tế và giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh thế giới đầy biến động; chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được toàn vẹn; môi trường hòa bình được giữ vững; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao; đất nước tham gia sâu rộng vào các tiến trình hợp tác khu vực và toàn cầu, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, hệ thống an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận: Đất nước đang đối mặt với những thách thức lớn, như: Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại; năng suất lao động, năng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế; chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình cao vẫn hiện hữu. Môi trường kinh doanh tuy đã cải thiện nhưng vẫn còn nhiều rào cản; hạ tầng thiếu đồng bộ; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa hoàn thiện.
Bối cảnh quốc tế cũng ngày càng phức tạp, với cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các cú sốc địa chính trị, biến đổi khí hậu và dịch bệnh mới tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những thách thức nội tại và bên ngoài đang đan xen, tạo sức ép lớn, buộc chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm và mô hình phát triển. Chúng ta cần một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ, với những đột phá mới về thể chế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và tổ chức bộ máy.
Theo Tổng Bí thư, chỉ có cải cách quyết liệt, bền bỉ và hiệu quả mới giúp đất nước ta vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới.
“Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ. Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất.” – Tổng Bí thư nói.
Về 4 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây, một lần nữa, Tổng Bí Thư khẳng định sẽ là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Tổng Bí thư cũng đã điểm lại những tinh thần cốt lõi nhất của các nghị quyết và mối quan hệ tác động lẫn nhau, muốn đạt hiệu quả cao nhất thì chúng ta phải triển khai tốt đồng thời các nghị quyết.
Thứ nhất: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia (theo Nghị quyết 68); Thứ hai: Tạo đột phá thực sự về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (theo Nghị quyết 57); Thứ ba: Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Thứ tư: Hội nhập quốc tế trong tình hình mới
Tổng Bí thư khẳng định: “Bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, chúng liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện.
Cả bốn nghị quyết đều thống nhất mục tiêu: xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Nghị quyết 66 yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột tăng trưởng mới. Nghị quyết 59 mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế chủ động, tích cực. Nghị quyết 68 thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực trung tâm cho nền kinh tế.
Sự liên kết này không chỉ mang tính định hướng chung mà còn thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn. Nếu thể chế không minh bạch (Nghị quyết 66), thì kinh tế tư nhân khó phát triển (Nghị quyết 68), khoa học công nghệ thiếu môi trường sáng tạo (Nghị quyết 57) và hội nhập quốc tế thiếu hiệu quả (Nghị quyết 59). Ngược lại, nếu đổi mới sáng tạo không đột phá, kinh tế tư nhân sẽ yếu, hội nhập quốc tế sẽ bị hạn chế. Nếu hội nhập không chủ động, bản thân thể chế và các động lực trong nước cũng khó cải cách toàn diện.”
Tổng Bí thư cũng tóm lược điểm đột phá chung của cả bốn nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.
Về tổ chức thực hiện, tất cả các nghị quyết đều nhấn mạnh vai trò lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia thực chất của doanh nghiệp, người dân và giới trí thức. Các trục triển khai như thi hành pháp luật, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển tư nhân và hội nhập quốc tế đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, giám sát thường xuyên.