Sau khi mở rộng địa giới hành chính với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh định hướng xây dựng lại mô hình trạm y tế theo hướng hiện đại, toàn diện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người dân trong vùng đô thị đặc biệt.
Ngày 9/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025. Một trong những nội dung đáng chú ý tại hội nghị là định hướng phát triển hệ thống y tế cơ sở trong bối cảnh thành phố vừa trải qua cuộc sắp xếp hành chính lớn nhất từ trước đến nay. Sau sáp nhập, quy mô dân số của TP Hồ Chí Minh tăng vọt lên gần 13,7 triệu người. Trong khi đó, số lượng bệnh viện tăng từ 134 lên 164, nhưng tỉ lệ giường bệnh trên vạn dân lại giảm mạnh, từ 42 giường xuống còn 35 giường/vạn dân. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết về đầu tư, củng cố mạng lưới y tế, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở.
Hiện TP Hồ Chí Minh có 168 trạm y tế và 296 điểm trạm. Dựa trên hướng dẫn mới của Bộ Y tế, thành phố sẽ có 125 trạm đạt chuẩn diện tích trên 500m². Các trạm này được thiết kế như “bệnh viện mini” với đầy đủ khoa phòng chức năng, có năng lực tiếp nhận, khám sàng lọc và theo dõi sức khỏe ban đầu cho người dân. Đây là mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo hướng hiện đại, giúp người dân được tiếp cận y tế sớm, giảm tải cho tuyến trên và nâng cao hiệu quả điều trị.
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết sau hợp nhất, ngành y tế thành phố đang định hình mô hình “đô thị đặc biệt” – một trung tâm y tế, khoa học và đổi mới sáng tạo tầm quốc gia. Trong chiến lược này, hệ thống trạm y tế sẽ được nâng cấp đồng bộ cả về cơ sở vật chất lẫn năng lực chuyên môn. Các trạm sẽ mở rộng phạm vi dịch vụ, bao gồm khám chữa bệnh ban đầu, theo dõi sức khỏe định kỳ và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Đồng thời, Sở Y tế sẽ phối hợp với các địa phương để tập trung hỗ trợ toàn diện cho tuyến y tế đặc thù Quân dân y Côn Đảo và chăm sóc sức khỏe người dân ở các khu vực xa trung tâm.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh: “Không chỉ chuẩn hóa chất lượng đầu ra của trạm y tế, mà trạm phải thực sự trở thành một nơi gần dân nhất và dân tin nhất để thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn diện. Đây là nơi khám chữa bệnh ban đầu, phân loại và theo dõi sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, người dân nên qua tuyến này trước khi lên các tuyến chuyên sâu khác”. Với định hướng này, TP Hồ Chí Minh đang từng bước xây dựng hệ thống y tế cơ sở vững chắc, hiệu quả và thân thiện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong giai đoạn phát triển mới./.