VTV.vn - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực truyền thông nhưng liệu nó có thực sự mang lại lợi ích như kỳ vọng?
Năm 2023 được xem là năm bùng nổ của công nghệ AI. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, năm 2024 mới thực sự là năm bước ngoặt của công nghệ này. Từ lĩnh vực thông tin, giáo dục, nghệ thuật cho đến robot, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện ngày càng rõ nét hơn của AI.
Trong lĩnh vực báo chí, đầu năm nay, gã khổng lồ công nghệ OpenAI đã có bước đi tiên phong khi hợp tác với nhà xuất bản tin tức lớn nhất nước Đức Axel Springer để sử dụng tin tức chính thống trong các câu trả lời của chatbot.
Đây là thỏa thuận xuất bản đầu tiên trên toàn cầu giữa một công ty phát triển trí tuệ nhân tạo với báo chí nhằm đào tạo mô hình AI dựa trên tin tức. Thỏa thuận này đã mở đường cho các công ty công nghệ trong việc tích hợp báo chí vào AI nhằm ngăn chặn thông tin sai lệch - vốn là vấn đề nổi cộm trong những năm qua.
Theo nhiều chuyên gia, từ năm 2024, trợ lý AI sẽ bắt đầu được triển khai đầy đủ, bổ sung và dần thay thế lao động có trình độ chứ không chỉ là lao động phổ thông. AI sẽ trở thành những trợ lý chính thức có khả năng nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động. Thậm chí, trong những năm tới, công nghệ này hoàn toàn có thể thay thế công việc của những người lao động thông thường.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, việc sử dụng AI trong lĩnh vực truyền thông có thể gây ra cả những tác hại chú không chỉ mang lại lợi ích.
Theo báo cáo mới nhất của Đại học Bentley và Gallup, 56% người Mỹ cho rằng, AI mang lại cả lợi ích lẫn tác hại. Tuy nhiên, tỷ lệ người tin rằng tác hại của AI lớn hơn lợi ích vẫn cao hơn so với nhóm có quan điểm ngược lại.
Tại Liên minh châu Âu, bức tranh lại hoàn toàn khác biệt. Báo cáo Eurobarometer với tiêu đề "Thập kỷ số" công bố tháng 7 cho thấy, 73% người châu Âu cho rằng số hóa đã giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn, trong khi chỉ có 23% nói điều ngược lại. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại về việc lạm dụng dữ liệu cá nhân (46%) và tin giả hoặc thông tin sai lệch (45%).
Một khảo sát toàn cầu của POLIS về báo chí và AI cho thấy, các tòa soạn chủ yếu sử dụng AI trong thu thập, sản xuất và phân phối tin tức. Báo cáo cho rằng, mặc dù AI giúp nhà báo có thêm thời gian để tạo ra các sản phẩm báo chí tốt hơn, song việc này đi kèm với trách nhiệm biên tập và đạo đức.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters đã khảo sát gần 100.000 người tại 47 quốc gia về nhận thức của họ về AI trong lĩnh vực tin tức. Kết quả cho thấy, độc giả thoải mái hơn với việc AI hỗ trợ các công việc hậu trường như dịch thuật hay phiên âm, thay vì thay thế hoàn toàn các nhà báo.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, những nhận định về sự góp mặt của AI trong lĩnh vực báo chí được đưa ra trong thời điểm niềm tin của xã hội vào truyền thông chỉ ở mức khoảng 40%. Do vậy, mặc dù không thể phủ nhận tác động của AI đối với cách thông tin được phổ biến, các chuyên gia truyền thông phải được cung cấp các công cụ và kiến thức liên quan để sử dụng công nghệ này một cách tốt nhất có thể.
Charlie Beckett, Giám đốc bộ phận tư vấn truyền thông tại Trường Kinh tế London, nhận xét trong báo cáo của ông về AI và báo chí rằng: "Nếu chúng ta coi báo chí là một lợi ích xã hội, do con người cung cấp cho con người, thì chúng ta có khoảng 2-5 năm để các tổ chức tin tức phải nắm bắt công nghệ này".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!