Trung học nghề sẽ thay thế trung cấp nghề: Cơ hội hay thách thức?

Theo VOV - Thứ tư, ngày 09/07/2025 00:00 GMT+7

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang lấy ý kiến với đề xuất chuyển từ trung cấp nghề sang trung học nghề, tích hợp đào tạo văn hóa phổ thông và kỹ năng nghề. Sự chuyển đổi này được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập tồn tại lâu nay trong công tác phân luồng và tổ chức đào tạo nghề.

Trung học nghề sẽ thay thế trung cấp nghề: Cơ hội hay thách thức?
Ảnh minh họa: PoE

Luật Giáo dục sau gần 5 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế đòi hỏi phải rà soát, sửa đổi. Nhằm tháo gỡ những vướng mắc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó sửa bổ sung Điều 6 (Hệ thống giáo dục quốc dân) theo hướng coi giáo dục nghề nghiệp là một cấp học, gồm 2 bậc: trung học nghề và cao đẳng. Trung học nghề tích hợp đào tạo kiến thức văn hóa phổ thông và kỹ năng nghề ở bậc sơ cấp, trung cấp; đối tượng dành cho học sinh sau THCS. Cao đẳng dành cho những người sau THPT hoặc tương đương.

Theo đại diện của một số trường trung cấp nghề, quy định mới này tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học kiến thức văn hóa và kỹ năng nghề ngay tại một địa điểm, thay vì phải học hai nơi như trước đây. GS.TS Thái Văn Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho biết, quy định này giải quyết bài toán “lùng bùng” lâu nay giữa học nghề với giáo dục phổ thông, các trường nghề không còn phải “vất vả” liên hệ với Trung tâm giáo dục thường xuyên để đào tạo kiến thức văn hóa cho học sinh. Đồng thời, nó giảm bớt áp lực cho kỳ thi vào lớp 10, thực hiện phân luồng tốt hơn và giải quyết bài toán tuyển sinh đầu vào cho các trường trung cấp nghề.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Đức, Úc... đã tổ chức thực hiện mô hình trung học nghề và đạt hiệu quả trong công tác phân luồng học sinh sau THCS. Đây là xu hướng tất yếu mà Việt Nam cần xem xét thực hiện. Theo Quyết định 73 của Chính phủ về phương án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chí về diện tích và dân số, một số trường trung cấp nghề hiện đứng trước nguy cơ bị sáp nhập, giải thể hoặc nâng cấp thành cao đẳng nghề.

Theo một lãnh đạo trường trung cấp nghề, các trường đang trong thế “án binh bất động” để chờ những quyết định từ cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nếu Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua, đây có thể là cơ hội để giữ lại các trường trung cấp nghề hiện nay và tích hợp giảng dạy kiến thức văn hóa phổ thông, nền tảng kỹ năng nghề.

mac-van-tien-1745.jpg

PGS. TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục nghề nghiệp và An sinh Xã hội. (Ảnh: VOV Giao thông)

Trong bối cảnh này, PGS.TS Mạc Đăng Tiến, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục nghề nghiệp và An sinh Xã hội đề xuất không sáp nhập hoặc xóa sổ các trường trung cấp nghề, mà giữ nguyên hiện trạng, chờ sau khi Luật được thông qua. Hiện cả nước có khoảng gần 450 trường trung cấp dạy nghề, kể cả công lập và tư thục. Nếu bỏ hệ thống trường trung cấp này sẽ rất lãng phí. Ông Tiến cho rằng, để tránh lãng phí, cần giải pháp tận dụng cơ sở vật chất, thiết bị máy móc và chuyển đổi các trường trung cấp nghề sang trung học nghề.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh, chuyển đổi từ trung cấp nghề sang trung học nghề không chỉ là thay đổi tên gọi mà còn là thay đổi cả cách thức và tư duy đào tạo, cách thức quản trị. Trong đó, điều quan trọng là phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho đào tạo cả kiến thức phổ thông và kiến thức dạy nghề. Các trường trung cấp nghề cần chuẩn bị đội ngũ nhân lực giảng dạy kiến thức phổ thông, đồng thời thay đổi phương pháp quản lý theo hướng phù hợp với quản lý học sinh phổ thông.

img_0088-1340.png

Ảnh minh họa: PoE

Đối với nguồn nhân lực dạy nghề, PGS.TS Trần Đình Nghiên, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, các trường trung học nghề cần chủ động xây dựng khung lý thuyết và có thể liên kết với các trường cao đẳng, đại học để mời giảng viên tham gia giảng dạy, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải. Điều này không chỉ tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn giúp nâng cao chất lượng đào tạo.

Ông Nghiên cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay, các trường trung cấp nghề nên chủ động đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo nghề, chuẩn bị các phương án để thích ứng với tình hình thực tiễn. Trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021–2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 có 40–45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Với những thay đổi trong Luật Giáo dục (sửa đổi), nếu được thông qua, sẽ góp phần giải quyết những khó khăn về số lượng học viên đầu vào, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề, tiệm cận hơn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Đây sẽ là bước tiến quan trọng để Việt Nam từng bước thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập./.

Bài liên quan
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý gửi Bộ Y tế, kiến nghị bỏ quy định doanh nghiệp phải kiểm nghiệm mỹ phẩm 6 tháng/lần trong Dự thảo Nghị định mới về quản lý mỹ phẩm vì cho rằng không cần thiết và gây thêm gánh nặng thủ tục.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý gửi Bộ Y tế, kiến nghị bỏ quy định doanh nghiệp phải kiểm nghiệm mỹ phẩm 6 tháng/lần trong Dự thảo Nghị định mới về quản lý mỹ phẩm vì cho rằng không cần thiết và gây thêm gánh nặng thủ tục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ, trong đó đề xuất xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo nhằm bảo đảm thực hiện đúng chủ trương “lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp” theo quy định của Luật Nhà giáo sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
09/07/2025
Sở Y tế Hà Tĩnh vừa ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi 7 sản phẩm mỹ phẩm do phát hiện công thức không đúng với hồ sơ đã công bố, nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
09/07/2025
Hàn Quốc mới đây đã phát triển thành công Barythrax inj. - loại vaccine phòng bệnh than đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ tái tổ hợp protein.
09/07/2025
Trong bối cảnh AI đang tái định hình ngành du lịch toàn cầu, một nghịch lý đang diễn ra tại nhiều cơ sở đào tạo: sinh viên học ngành du lịch chưa biết cách ứng dụng AI, giảng viên thì đang loay hoay với sự bùng nổ công nghệ quá nhanh so với giáo trình. Nếu không kịp thời điều chỉnh, hệ thống đào tạo sẽ tiếp tục không kịp thích nghi với thị trường việc làm đang biến động từng ngày.
09/07/2025
Tin mới