Khoa Da liễu – Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi 10 tuổi bị viêm da nặng do tiếp xúc với sứa khi tắm biển, gióng lên hồi chuông cảnh báo về các tai nạn tiềm ẩn trong mùa du lịch biển.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, trong lúc đang vui chơi cùng sóng biển, bé gái N.P.L (10 tuổi) phát hiện một vật thể trong suốt trôi dạt vào gần bờ. Vì thấy đẹp mắt, trẻ đã vòng tay ôm lấy mà không biết rằng đó là một con sứa biển. Hậu quả là vùng da tiếp xúc với xúc tu sứa nhanh chóng bị tổn thương nghiêm trọng, bao gồm các biểu hiện như dát đỏ, sẩn đỏ, mụn nước, phỏng nước theo vệt, sưng nề, trợt rỉ dịch, viêm tấy và ngứa rát dữ dội, đặc biệt tại vùng cẳng tay và mu bàn tay hai bên.
Ngay sau đó, bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương và điều trị tại Khoa Da liễu với sự phối hợp chặt chẽ của Khoa Cấp cứu – Chống độc. Sau khoảng một tuần điều trị tích cực bằng kháng sinh toàn thân, thuốc giảm viêm, giảm ngứa, cùng các biện pháp chăm sóc tại chỗ và thuốc bôi đặc trị, tình trạng của bé đã có tiến triển rõ rệt, da dần hồi phục và các triệu chứng viêm giảm đáng kể.
Sứa là động vật thân mềm sống trong môi trường nước, cơ thể chủ yếu là nước và một phần nhỏ protein cấu trúc, tế bào thần kinh và cơ. Trên xúc tu của sứa có hàng triệu tế bào châm li ti chứa độc tố. Khi tiếp xúc với da người, các tế bào này có thể đâm xuyên và tiêm độc, gây tổn thương mô, phá hủy màng tế bào, tác động tới hệ thần kinh hoặc gây dị ứng với các biểu hiện như ngứa, sưng, phát ban, thậm chí có thể dẫn tới phản vệ.
Tại Việt Nam, các loài sứa độc thường gặp là sứa lửa, sứa bắp cày và sứa vòng. Khi bị những loài này đốt, nạn nhân có thể cảm thấy bỏng rát, đau nhói, sưng phù, nổi bọng nước, và trong trường hợp nặng có thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, tụt huyết áp hoặc sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.
Trong trường hợp bị sứa đốt, điều đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh và gọi hỗ trợ y tế. Không nên cử động mạnh hay chà xát vết thương vì có thể khiến độc tố lan rộng. Không dùng tay trần gỡ xúc tu còn bám trên da. Thay vào đó, nên rửa vết thương bằng nước biển hoặc giấm – tuyệt đối không dùng nước ngọt, vì nước ngọt có thể khiến tế bào độc vỡ ra, làm tăng tổn thương. Dùng vật phẳng như thìa để nhẹ nhàng gạt bỏ các xúc tu hoặc tế bào độc còn sót lại. Chườm ấm hoặc sử dụng thuốc giảm đau thông thường có thể giúp giảm cảm giác bỏng rát. Tuyệt đối không bôi thuốc không rõ nguồn gốc hoặc các chất lạ lên vết thương, vì điều này có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.
Sau khi sơ cứu, người bị sứa đốt cần được đưa đến cơ sở y tế để được đánh giá đầy đủ về mức độ tổn thương và có hướng điều trị phù hợp. Để phòng ngừa tai nạn do sứa biển, các bậc phụ huynh nên trang bị cho trẻ kiến thức về các loài sứa độc thường gặp, cho trẻ mặc đồ bảo hộ khi tắm biển và lưu ý quan sát các bảng cảnh báo tại khu vực bãi tắm. Những biện pháp đơn giản nhưng thiết thực này sẽ góp phần bảo vệ an toàn cho trẻ và cả gia đình trong mùa du lịch hè./.