Theo Bộ Công Thương, trong quý I năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 4,1 tỷ USD, tăng 21%.
Kết quả này cho thấy cơ cấu thương mại giữa hai nước có tính chất bổ trợ cho nhau, thay vì cạnh tranh trực tiếp.
Mặc dù thương mại song phương đang đối mặt với một số thách thức liên quan đến chính sách thuế quan, nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Hoa Kỳ như Walmart, Target, Costco, HomeDepot... vẫn tiếp tục thể hiện sự tin tưởng vào năng lực và tiềm năng hợp tác từ phía Việt Nam. Đặc biệt, Walmart và Target cho biết hàng hóa từ Việt Nam chiếm khoảng 30% trong tổng lượng hàng nhập khẩu của họ, cho thấy vai trò ngày càng lớn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để duy trì đà tăng trưởng này, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đề xuất cần tăng cường hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, đầu tư, năng lượng và công nghệ cao, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giảm rủi ro từ phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
Song song đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước cũng được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cấp công nghệ sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng và đơn giản hóa các quy định kinh doanh để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị phần xuất khẩu.
Việc tăng hàm lượng giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám trong sản phẩm xuất khẩu cũng là hướng đi quan trọng để nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế trước các biến động toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia có thể áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với phía Hoa Kỳ trong việc cung cấp thông tin trong các vụ kiện thương mại để tránh rủi ro pháp lý và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình./.