Mặc dù vốn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam năm 2024 giảm, tổng vốn giải ngân trong năm lại cao nhất lịch sử, khẳng định niềm tin vững chắc của nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Đến cuối năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần) đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2023. Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% - mức cao nhất trong lịch sử gần 30 năm thu hút FDI của Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với 20,62 tỷ USD, chiếm 81,4% tổng vốn FDI thực hiện; bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 7,2%; và sản xuất, phân phối điện, khí đốt chiếm 4,2%.
Năm 2024, Việt Nam thu hút FDI từ 114 quốc gia và vùng lãnh thổ. Singapore dẫn đầu với 10,21 tỷ USD (26,7% tổng vốn, tăng 31,4%), theo sau là Hàn Quốc với 7,06 tỷ USD (18,5%, tăng 37,5%). Trung Quốc và Hồng Kông cũng là những đối tác lớn, lần lượt đóng góp 2,84 tỷ USD và 2,17 tỷ USD. Hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn đã đầu tư vào Việt Nam. Amkor (Hàn Quốc) đầu tư 1,07 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp bán dẫn. Nvidia (Mỹ) mua lại VinBrain và công bố trung tâm nghiên cứu AI tại Việt Nam. LG đầu tư thêm 1 tỷ USD vào sản xuất màn hình OLED. Samsung tiếp tục đầu tư 1 tỷ USD mỗi năm, đồng thời ký biên bản phát triển dự án màn hình tại Bắc Ninh trị giá 1,8 tỷ USD. Foxconn đầu tư 551 triệu USD vào Quảng Ninh, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 1 tỷ USD.
Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 thu hút các đối tác công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn. Ảnh: Quân đội Nhân dân
Bất chấp biến động toàn cầu, các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục tin tưởng vào môi trường kinh doanh của Việt Nam. Báo cáo của HSBC chỉ ra, Việt Nam nổi bật nhờ chi phí lao động cạnh tranh, chính sách ưu đãi FDI và lợi thế từ các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, và RCEP. Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham, nhấn mạnh, 75% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng quốc gia này là lựa chọn ưu tiên đầu tư. Các dự án hạ tầng lớn như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, và cảng nước sâu Hải Phòng càng củng cố vị thế của Việt Nam trong thương mại khu vực.
Ngoài ra, cam kết về phát triển bền vững và tuân thủ các tiêu chí ESG đã thu hút thêm dòng vốn từ các doanh nghiệp châu Âu, nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và tạo dựng môi trường kinh doanh bền vững.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, hạ tầng cải thiện, và chiến lược thu hút FDI bài bản, Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong những năm tới./.