Xây dựng chuỗi cung ứng bán lẻ trong không gian siêu đô thị

Ban Thời sự - Chủ nhật, ngày 20/07/2025 10:09 GMT+7

Sau sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh chuyển mình thành siêu đô thị 14 triệu dân, giữ vai trò hạt nhân kinh tế vùng.

Xây dựng chuỗi cung ứng bán lẻ trong không gian siêu đô thị
Người tiêu dùng kỳ vọng nhiều hơn vào hệ thống phân phối hiện đại - thuận tiện, hợp lý và dễ tiếp cận hơn với đời sống hàng ngày

TP. Hồ Chí Minh thiết lập chuỗi cung ứng bền vững mới

Không chỉ là sự thay đổi địa giới hành chính, quá trình sáp nhập còn mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Với thị phần bán lẻ chiếm đến 1/4 cả nước, Thành phố đang từng bước thiết lập chuỗi cung ứng hiện đại, hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa vùng sản xuất - chế biến - phân phối trong không gian siêu đô thị.

Từng được biết đến là đặc sản vùng biển Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), hạt tiêu Bầu Mây nay đã hiện diện trong bản đồ nông sản TP. Hồ Chí Minh. Với doanh nghiệp, điều chỉnh địa giới đã kéo gần khoảng cách giữa vùng nguyên liệu và thị trường tiêu dùng lớn nhất cả nước.

Bà Lâm Hoa Hồng - Giám đốc đối ngoại Công ty Bầu Mây cho biết: "Khi các anh chị được trải nghiệm, ăn thử thì lại rất quan tâm và mình tìm hướng đưa vào hệ thống mình phân phối".

Không chỉ có lợi thế khi sở hữu vùng nguyên liệu dồi dào, các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, doanh nghiệp sản xuất cho biết, họ đang có rất nhiều cơ hội để mở rộng nhà máy khi các điều kiện về thủ tục hành chính được cởi mở, thông thoáng hơn, không còn mang tính cục bộ địa phương.

Doanh nghiệp đang chuẩn bị thủ tục để mở thêm nhà máy tại khu vực Vũng Tàu, nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chia sẻ: "Rất thuận lợi trong việc thu gom nguyên liệu, thậm chí chúng tôi sẽ đặt những nhà xưởng, xử lý tại vùng nguyên liệu. Chúng ta cùng một tỉnh nên mọi thủ tục và quản lý doanh nghiệp cũng sẽ thuận lợi hơn trước đây rất nhiều, do đó chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư, mở rộng".

Theo Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, không gian siêu đô thị đang mở ra nhiều điều kiện thuận lợi để tái cấu trúc chuỗi cung ứng ngành hàng thiết yếu. Việc liên thông hạ tầng - từ giao thông, logistics đến thủ tục hành chính - giúp doanh nghiệp giảm chi phí, hình thành các quy hoạch sản xuất, chế biến, phân phối theo hướng gắn kết và bài bản hơn.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Chúng tôi rất hy vọng sẽ kết nối tốt hơn về hạ tầng, giảm được chi phí giá thành trong sản phẩm. Quan trọng nhất là từ đây, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn định hình cho việc liên kết vùng. Bởi với các vùng này tạo ra nhiều quy hoạch cho doanh nghiệp về vùng nguyên liệu, công nhân, hình thành những sản phẩm của mình".

Sau hoạt động kết nối hàng hoá, nông sản địa phương đã có mặt trên kệ siêu thị TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là bước khởi đầu cho một chuỗi cung ứng mới, gắn với thực tiễn thị trường và liên kết vùng chặt chẽ.

Người tiêu dùng kỳ vọng vào những mô hình bán lẻ mới

Khi chuỗi cung ứng hàng hóa từng bước được tổ chức lại gần hơn với vùng nguyên liệu và sản xuất, người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh cũng kỳ vọng nhiều hơn vào hệ thống phân phối hiện đại - thuận tiện, hợp lý và dễ tiếp cận hơn với đời sống hàng ngày.

Chị Chu Khánh Linh - TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Hải sản tươi sống, chúng tôi có thể mua được dễ dàng hơn, hay những khu mua sắm mở rộng ở khu vùng ven thành đô để người tiêu dùng mua những sản phẩm chất lượng".

Anh Hồ Ngọc Long - TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "TP. Hồ Chí Minh được mở rộng ra, phần lớn mình tiếp cận được nhiều mặt hàng, nhiều công ty, nhiều sản phẩm tốt. Người tiêu dùng rất thích sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý".

Chị Trịnh Thị Phương Dung - TP. Hồ Chí Minh tâm sự: "Trong hệ thống siêu thị hoặc hệ thống bán lẻ sẽ dễ dàng hơn trong việc mua sắm hải sản tươi hơn, sạch hơn, giá rẻ hơn…".

Bán lẻ hiện đại mở rộng trong không gian siêu đô thị

Hiện TP. Hồ Chí Minh có hơn 60.000 cửa hàng tạp hóa và 350 chợ truyền thống, trong khi bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 30% thị phần. Thị trường vẫn còn nhiều dư địa để phát triển những mô hình phân phối hiện đại, phù hợp với các đặc thù của từng khu vực.

Từ đầu năm đến nay, chuỗi bán lẻ đã mở mới 318 cửa hàng. Gần 3/4 trong số này là các mô hình thiết kế riêng, phục vụ đặc thù tiêu dùng khu vực nông thôn. Trong không gian siêu đô thị, chiến lược này sẽ phát huy hiệu quả khi bám sát nhu cầu tiêu dùng tại các vùng dân cư mới, nơi gắn với đô thị biển và các khu công nghiệp trọng điểm.

Bà Mai Thị Huyền Trang - Giám đốc siêu thị Winmart Novia Phạm Văn Đồng, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi tiếp tục chiến lược mở rộng điểm bán và tập trung các mô hình riêng biệt trong từng khu vực. Tối ưu sự đa dạng của hệ sinh thái sản xuất hàng tiêu dùng, chúng tôi có rất nhiều đất phát triển và tiên phong mở mới".

Nhà bán lẻ tính toán, với quy mô dân số 14 triệu người trên diện tích gần 6.800 km², sức mua đang phân bổ lại theo nơi cư trú và sự phát triển hạ tầng. Việc mở rộng hệ thống kho vận, logistics tại các vùng ven giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn.

Bà Trần Duy Lan - Giám đốc Tài chính và kế toán, MM Mega Market Việt Nam chia sẻ: "Nó không còn là các đô thị nằm trong lõi mà chúng ta sẽ có những đô thị vệ tinh. Như vậy, chúng ta có những khách hàng mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cũng như hệ thống vận chuyển, kho vận, các chuỗi cung ứng, mở rộng và đặt ở những khu vực vùng ven".

Giới chuyên gia nhận định, không gian mở rộng đồng nghĩa cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các doanh nghiệp buộc phải tinh gọn bộ máy và tối ưu vận hành. Thay vì chỉ mở rộng về quy mô, TP. Hồ Chí Minh đang điều chỉnh lại quy hoạch phân phối để đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa chợ truyền thống, siêu thị và trung tâm thương mại phù hợp với từng cụm dân cư và đặc thù tiêu dùng.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Lan toả chương trình bình ổn thị trường đến tất cả khu vực trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo hơn cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia, để cung cấp những sản phẩm thiết yếu cho người dân. Những điều mà TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trước đây làm được những mô hình hay sẽ là mô hình chung mà chúng tôi sẽ triển khai trong giai đoạn tới".

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chi tiêu thiết yếu, sự tiện lợi và giá cả hợp lý, Thành phố đang kiến nghị cơ chế đặc thù để phát triển hạ tầng thương mại - logistics, thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn.

Từ chuyện đưa nông sản vào siêu thị, đến việc mở thêm cửa hàng bán lẻ ở vùng ven, có thể thấy TP. Hồ Chí Minh đang từng bước sắp xếp lại chuỗi cung ứng sát với nhu cầu thực tiễn của người dân, phù hợp với cách đô thị ngày càng mở rộng. Trong một Thành phố đang phát triển theo nhiều hướng đi lên, chuyện mua - bán không chỉ là thương mại, mà còn là cách kết nối giữa các vùng, giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng.

Bài liên quan
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần khoáng sản Năng lượng xanh Việt Nam với số tiền 320 triệu đồng.
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần khoáng sản Năng lượng xanh Việt Nam với số tiền 320 triệu đồng.
Bộ Công Thương đang tích cực chuẩn bị cho việc triển khai lộ trình mới về sử dụng xăng sinh học tại Việt Nam, với mục tiêu chuyển sang sử dụng xăng E10 (pha 10% ethanol vào xăng khoáng) trên toàn quốc từ ngày 1/1/2026.
20/07/2025
Cục Thuế khẳng định, trường hợp chậm khai thuế, nộp thuế do ứng dụng eTax Mobile bị lỗi, người nộp thuế không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
20/07/2025
Từ những vùng quê Bắc Bộ đến kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn tại Mỹ như Safeway và Costco, vải thiều Việt Nam đang khẳng định vị thế của mình trên bản đồ nông sản quốc tế trong mùa hè năm nay.
20/07/2025
UBND TP.Hà Nội đề xuất bổ sung quy định hộ kinh doanh bắt buộc phải đăng ký tài khoản ngân hàng/giao dịch điện tử phục vụ riêng cho hoạt động kinh doanh.
20/07/2025
Tin mới