Các chuyên gia Nội tiết - đái tháo đường cho rằng, chế độ ăn giàu chất xơ không chỉ giúp người bệnh kiểm soát đường huyết ổn định hơn, mà còn mang lại nhiều lợi ích trong việc phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường.
Chất xơ rất quan trọng với người bệnh đái tháo đường
Chất xơ là một thành phần của thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật mà cơ thể không tiêu hóa được. Khi đi vào hệ tiêu hóa, chất xơ làm tăng khối lượng chất thải và thúc đẩy quá trình tiêu hóa hiệu quả hơn. Không chỉ hỗ trợ tiêu hóa, nhiều nghiên cứu khoa học còn cho thấy chất xơ đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa và điều trị các bệnh mạn tính như tim mạch, béo phì và đặc biệt là đái tháo đường.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người thường xuyên ăn chế độ giàu chất xơ có mức protein phản ứng C (CRP) trong máu thấp hơn. Đây là một chỉ số phản ánh tình trạng viêm – yếu tố liên quan đến các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, bệnh tim và đái tháo đường. Đặc biệt, chất xơ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, từ đó giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định hơn – điều rất quan trọng đối với người mắc đái tháo đường.
Theo các chuyên gia Nội tiết - đái tháo đường, mọi người đều cần bổ sung chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày để duy trì cảm giác no, hỗ trợ tiêu hóa, nhưng người mắc bệnh đái tháo đường càng cần được cung cấp nhiều chất xơ hơn người bình thường để kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn. Ngoài ra, chất xơ còn có khả năng hỗ trợ làm giảm cholesterol xấu, góp phần bảo vệ hệ tim mạch.
Chế độ ăn giảm tinh bột (carbohydrate) là một trong những nguyên tắc quan trọng trong điều trị bệnh đái tháo đường nhằm hạn chế tăng đường huyết sau ăn. Tuy nhiên, chất xơ – cũng là một loại carbohydrate – lại có đặc điểm “đặc biệt” bởi không làm tăng đường huyết như các loại tinh bột thông thường. Đây chính là lý do người bệnh đái tháo đường nên tăng cường bổ sung chất xơ từ thực phẩm lành mạnh.
Người bệnh đái tháo đường nên bổ sung chất xơ như thế nào cho hợp lý?
Một chế độ ăn lý tưởng cho người bệnh đái tháo đường là ưu tiên các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp và giàu chất xơ. Thực phẩm có chỉ số GI thấp sẽ giúp đường huyết tăng chậm và ổn định hơn sau ăn, trong khi những thực phẩm có chỉ số GI cao sẽ khiến đường huyết tăng đột ngột.
Chất xơ gồm hai loại chính là chất xơ hòa tan trong nước và chất xơ không hòa tan trong nước. Chất xơ hòa tan có nhiều trong các loại đậu như đậu nành, đậu tây, rau xanh, trái cây... Loại chất xơ này hấp thụ độ ẩm, giúp phân mềm và dễ đi ngoài hơn. Trong khi đó, chất xơ không hòa tan có nhiều trong cám lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt chưa xay và rau củ, có tác dụng hút nước, tăng khối lượng chất bã và thúc đẩy quá trình thải cặn bã nhanh chóng hơn.
Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, việc bổ sung ngũ cốc nguyên hạt trong khẩu phần ăn hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và bệnh tim. Ngũ cốc nguyên hạt không chỉ giàu chất xơ mà còn cung cấp vitamin nhóm B và chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào và nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột – yếu tố quan trọng trong kiểm soát viêm và tăng cường miễn dịch. Các loại ngũ cốc nguyên hạt phổ biến bao gồm cám, bánh mì nguyên cám, yến mạch, lúa mì nguyên hạt, gạo lứt và các loại hạt.
Một số thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người bệnh đái tháo đường
Một số thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người bệnh đái tháo đường
Rau xanh là nguồn chất xơ tự nhiên tuyệt vời, chứa rất ít carbohydrate và giàu vitamin, khoáng chất. Đặc biệt, bông cải xanh là một trong những loại rau giàu chất xơ và dinh dưỡng nhất. Hợp chất sulforaphane có trong bông cải xanh và các loại rau họ cải khác có thể giúp làm giảm đường huyết thông qua việc cải thiện hoạt động của các protein điều hòa chức năng tế bào gan và phản ứng với insulin.
Cải xoăn cũng là một loại rau lý tưởng cho người đái tháo đường. Không chỉ ít calo và carbohydrate, cải xoăn còn giàu các vitamin A, C, E, K và các khoáng chất như sắt, canxi, kali, góp phần tăng cường sức khỏe tổng thể.
Trái cây, bên cạnh việc cung cấp vitamin và chất chống oxy hóa, còn là nguồn chất xơ dồi dào hỗ trợ tiêu hóa và ổn định đường huyết. Người bệnh đái tháo đường nên chọn các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp như ổi, bưởi, cam, táo, lê, thanh long, bơ, chuối… và hạn chế các loại có chỉ số đường huyết cao như nhãn, vải, mít, sầu riêng.
Gạo lứt là một lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt lý tưởng, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn sau ăn nhờ hàm lượng chất xơ, tinh bột hấp thu chậm, chất chống oxy hóa và khả năng hỗ trợ hệ vi khuẩn đường ruột. Người bệnh nên kết hợp các loại gạo lứt đen, nâu, đỏ và nấu cùng các loại hạt như đậu hoặc hạt sen để tăng giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, gạo lứt không phù hợp với người mắc bệnh thận mạn tính, rối loạn tiêu hóa, khó tiêu hoặc đang hồi phục sau phẫu thuật đường tiêu hóa.
Yến mạch cũng là một loại thực phẩm vàng cho người bệnh đái tháo đường. Yến mạch giàu chất xơ hòa tan, giúp giảm cholesterol và hỗ trợ sức khỏe tim mạch – yếu tố thường bị ảnh hưởng ở người bệnh đái tháo đường. Người bệnh nên ưu tiên yến mạch già hoặc yến mạch cắt thép – những loại ít qua chế biến và giữ được lượng chất xơ cao. Tránh sử dụng các loại yến mạch ăn liền, đóng gói sẵn có thể chứa nhiều đường và muối làm ảnh hưởng tới chỉ số đường huyết.
Tóm lại, việc bổ sung chất xơ một cách khoa học và hợp lý trong khẩu phần ăn hàng ngày không chỉ giúp kiểm soát tốt đường huyết mà còn hỗ trợ phòng ngừa biến chứng tim mạch, cải thiện hệ tiêu hóa và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh đái tháo đường./.