Các nhà khoa học đưa ra bằng chứng nào về mối quan hệ giữa sữa chua và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Loại 2.
Tháng 4 năm ngoái, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chính thức cho phép các nhà sản xuất sữa chua đưa vào nhãn mác sản phẩm thông tin rằng “tiêu thụ sữa chua có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2”. Tuyên bố này áp dụng cho mọi loại sữa chua – từ không béo, có hoặc không hương vị, cho đến loại chứa men vi sinh hoặc sữa chua truyền thống.
Sữa chua luôn là một phần của chế độ ăn lành mạnh
FDA cho biết họ đã tìm thấy “bằng chứng khoa học hạn chế” về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ sữa chua và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Tiến sĩ Frank Hu, giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard Chan, nhận định rằng sữa chua là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và hoàn toàn có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thường xuyên ăn sữa chua có tỷ lệ mắc tiểu đường loại 2 thấp hơn so với những người không tiêu thụ.
Tuy nhiên, bà Bonnie Liebman, Giám đốc dinh dưỡng của Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Cộng đồng (CSPI), cảnh báo người tiêu dùng rằng thuật ngữ “bằng chứng hạn chế” thực chất đồng nghĩa với việc các bằng chứng vẫn chưa rõ ràng và cần thêm nghiên cứu để xác nhận.
Trong khi đó, các nhà khoa học vẫn tiếp tục đặt câu hỏi: liệu sữa chua có thực sự góp phần làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2? Khi xem xét 28 nghiên cứu trong quá trình đánh giá, FDA nhận thấy có những kết quả không nhất quán. Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc ăn sữa chua và giảm nguy cơ tiểu đường, nhưng một số khác lại không phát hiện ra điều đó.
Tiến sĩ Hu và nhóm của ông từng thực hiện một trong những nghiên cứu quy mô lớn nhất được FDA xem xét. Trong bài báo công bố năm 2014, họ phân tích dữ liệu từ gần 200.000 người trưởng thành tại Mỹ và phát hiện ra rằng những người tiêu thụ ít nhất hai cốc sữa chua mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn 12% so với nhóm ăn rất ít. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác vào năm 2019 tại Úc trên 7.633 phụ nữ lại không tìm thấy mối liên hệ đáng kể nào giữa việc tiêu thụ sữa chua và phòng ngừa tiểu đường.
Cần nhấn mạnh rằng tất cả các nghiên cứu FDA xem xét đều là nghiên cứu quan sát – nghĩa là các nhà khoa học hỏi người tham gia về thói quen tiêu thụ sữa chua rồi theo dõi họ theo thời gian. Phương pháp này không thể khẳng định được mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa sữa chua và bệnh tiểu đường. Bà Liebman lưu ý rằng những người ăn sữa chua thường cũng có thể đồng thời duy trì lối sống lành mạnh hơn – điều này có thể là yếu tố chính làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
FDA yêu cầu nếu ghi nhãn sức khỏe, sản phẩm sữa chua phải ghi rõ: “Ăn sữa chua thường xuyên, ít nhất 2 cốc mỗi tuần, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2”. Đây là mức tiêu thụ tối thiểu được xác định dựa trên hai nghiên cứu được FDA đánh giá là có chất lượng tương đối tốt.
Theo F.D.A., ăn ít nhất hai cốc sữa chua mỗi tuần có thể làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường Loại 2
Mặc dù các kết luận vẫn còn chưa chắc chắn, Tiến sĩ Hu cho rằng việc ăn sữa chua như một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh là điều hợp lý. Sữa chua không chỉ giàu protein, khoáng chất và vitamin, mà còn có chứa các vi khuẩn có lợi cho đường ruột – yếu tố được cho là có thể giúp giảm viêm và cải thiện độ nhạy insulin.
Tiến sĩ Meera Shah, bác sĩ nội tiết tại Phòng khám Mayo (Mỹ), cho biết tuyên bố mới về sữa chua có thể đóng vai trò như một lời nhắc nhở hữu ích rằng đây là một thực phẩm lành mạnh. Tuy nhiên, bà cũng thận trọng cho rằng chỉ tiêu thụ 2 cốc sữa chua mỗi tuần là chưa đủ để có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2 ở hầu hết mọi người. Để thực sự đạt hiệu quả, lượng tiêu thụ có thể cần phải nhiều hơn và phải đặt trong một bối cảnh tổng thể của chế độ ăn và lối sống lành mạnh.
Bên cạnh sữa chua, còn những thực phẩm nào khác được cho là có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2? Theo Tiến sĩ Hu, yếu tố then chốt là duy trì cân nặng hợp lý và thực hiện chế độ ăn uống cân bằng.
Chế độ ăn uống cân bằng là điều quan trọng để ngăn ngừa bệnh tiểu đường Loại 2
Các bằng chứng khoa học hiện tại cho thấy, chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải – vốn ưu tiên thực phẩm như cá, rau củ, trái cây, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt – có tác dụng rõ rệt trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường. Đồng thời, nên giảm tiêu thụ thịt đỏ, sản phẩm từ sữa có đường và các món ngọt.
Tiến sĩ Shah khuyên rằng mọi người có thể điều chỉnh chế độ ăn theo khẩu vị riêng, nhưng nên xây dựng bữa ăn dựa trên các nhóm thực phẩm chính: ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây, các loại đậu, hạt và chất béo lành mạnh từ dầu ô liu hoặc cá.
Ngoài ra, uống cà phê – ở mức độ vừa phải – cũng được ghi nhận là có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, theo một số nghiên cứu dịch tễ học gần đây.
Bên cạnh việc bổ sung thực phẩm có lợi, cần hạn chế những yếu tố nguy cơ như nước ngọt, thịt chế biến sẵn và thực phẩm siêu chế biến – vốn đã được xác định là có liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ mắc tiểu đường ngày càng gia tăng.
Tiến sĩ Hu kết luận rằng, mặc dù sữa chua có thể là một phần hữu ích trong chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng không nên xem nó như một “thần dược” có thể thay thế cho các nguyên tắc cốt lõi về ăn uống và vận động. Ăn vài khẩu phần sữa chua mỗi tuần – nhất là loại không thêm đường, có thể dùng kèm trái cây tươi hoặc một chút mật ong – vẫn là một lựa chọn thông minh cho sức khỏe đường huyết nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung./.