Việc hiểu rõ tác động và áp dụng biện pháp phòng tránh nắng nóng và ngập lụt đô thị sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu rủi ro.
Tác động của nắng nóng đến sức khỏe và biện pháp phòng tránh
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, nắng nóng kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, làm gia tăng nguy cơ sốc nhiệt, say nắng, say nóng và thậm chí là đột quỵ do nhiệt độ quá cao. Những nhóm người dễ bị ảnh hưởng nhất bao gồm người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai do sức đề kháng yếu và khả năng điều chỉnh thân nhiệt kém hơn. Người lao động ngoài trời như công nhân xây dựng, nông dân, công nhân làm việc trong môi trường nhiệt độ cao (lò gạch, lò luyện gang thép…) có nguy cơ mất nước và rối loạn thân nhiệt cao. Người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vì nhiệt độ cao có thể làm bệnh nặng hơn.
Những dấu hiệu ban đầu khi bị ảnh hưởng bởi nắng nóng bao gồm mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt và chuột rút. Nếu không xử lý kịp thời, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng hơn với các triệu chứng như đau đầu dữ dội, khó thở, buồn nôn, ngất xỉu hoặc hôn mê, thậm chí có thể tử vong.
Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của nắng nóng, mọi người nên:
- Hạn chế ra ngoài vào khung giờ từ 10h sáng đến 4h chiều, khi nhiệt độ cao nhất.
- Nếu cần ra ngoài, hãy mặc quần áo sáng màu, đội nón rộng vành, đeo kính râm, sử dụng kem chống nắng và uống đủ nước để tránh mất nước.
- Người lao động ngoài trời cần nghỉ giải lao định kỳ và uống nước có muối khoáng để bù nước và điện giải.
- Khi sử dụng phòng máy lạnh, tránh ra ngoài trời đột ngột mà cần có thời gian để cơ thể thích nghi với nhiệt độ môi trường.
- Nếu phát hiện ai đó có dấu hiệu sốc nhiệt hoặc đột quỵ do nắng nóng, hãy ngay lập tức đưa vào nơi mát, nới lỏng quần áo, chườm mát cơ thể và gọi cấp cứu 115.
Ảnh hưởng của ngập lụt đến sức khỏe và biện pháp phòng tránh
Ngập lụt không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nước bẩn và môi trường ẩm ướt. Một số bệnh thường gặp bao gồm bệnh đường tiêu hóa như viêm dạ dày ruột, tiêu chảy cấp do sử dụng nước nhiễm bẩn; bệnh ngoài da như viêm da, nấm da, ghẻ lở do tiếp xúc lâu với nước lũ chứa vi khuẩn, nấm mốc; bệnh hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi do không khí ẩm thấp, nấm mốc phát triển mạnh; nhiễm trùng mắt như viêm kết mạc do vi khuẩn, virus trong nước lũ gây ra. Ngoài ra, ngập lụt cũng có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu, trầm cảm do mất tài sản, nhà cửa sau lũ lụt.
Khi xảy ra ngập lụt, người dân cần đặc biệt lưu ý các biện pháp đảm bảo an toàn. Hạn chế đi bộ hoặc lái xe qua các khu vực bị ngập, vì phương tiện có thể bị hỏng hóc hoặc bị dòng nước cuốn trôi, gây nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, tuyệt đối tránh xa các vùng nước ngập vì có thể có dây điện bị đứt rơi xuống nước, làm tăng nguy cơ bị điện giật.
Nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như thương hàn, tả, tiêu chảy, sốt xuất huyết và sốt rét có thể gia tăng khi ngập lụt xảy ra. Vì vậy, người dân cần thực hiện nghiêm các lời khuyên y tế như đảm bảo sử dụng nguồn nước uống an toàn, nấu chín kỹ thực phẩm, xử lý và loại bỏ thực phẩm bị hư hỏng do nước lũ đúng cách. Đồng thời, phải duy trì vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần đặc biệt lưu ý không để trẻ em lội nước nhằm phòng ngừa nguy cơ đuối nước và các bệnh truyền nhiễm. Việc làm sạch môi trường sống cũng rất quan trọng, cần loại bỏ các nơi có thể trở thành ổ sinh sản của muỗi truyền bệnh, đặc biệt là dọn sạch các vũng nước tù đọng quanh nhà để phòng chống sốt xuất huyết. Trong trường hợp có dấu hiệu bệnh, hãy nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế địa phương hoặc gọi đến đường dây nóng để được hỗ trợ kịp thời.
Sau cơn ngập lụt, người dân cần làm sạch tất cả vật dụng bị dính nước ngập và cọ rửa tường, trần, sàn nhà bằng nước, xà phòng và chất tẩy rửa. Những vật dụng không thể làm sạch như gối, đệm, thảm nên được loại bỏ để tránh mầm bệnh tồn lưu. Bên cạnh đó, cần cảnh giác với các loài sinh vật và động vật như rắn, chuột hoặc côn trùng có thể trú ẩn trong nhà sau khi nước rút.
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của nắng nóng và ngập lụt, mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe bằng các biện pháp phù hợp. Đồng thời, cộng đồng và chính quyền cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao nhận thức, chuẩn bị cơ sở hạ tầng phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu./.