VTV.vn - Việt Nam đang đứng trước một cuộc cách mạng chuyển đổi số, với những thay đổi căn bản về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
Hôm nay, ngày 10/10 là Ngày chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam đang đứng trước một cuộc cách mạng chuyển đổi số, với những thay đổi căn bản về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
Trong đó, lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành tư liệu sản xuất quan trọng. Điều này đòi hỏi những giải pháp toàn diện, đồng bộ để góp phần đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Thành phố Thủ Đức, thuộc TP. Hồ Chí Minh - nơi có 90% số thủ tục hành chính được giải quyết theo hình thức trực tuyến. Toàn bộ hoạt động điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan quản lý Nhà nước đều được triển khai trên môi trường số. Với Thành phố này, chuyển đổi số là yếu tố then chốt thúc đẩy kinh tế - xã hội - một phương thức sản xuất mới.
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Phương thức sản xuất này trước hết phải dựa trên một nội dung hết sức quan trọng chính là dữ liệu dùng chung. Đối với thành phố Thủ Đức, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường nội dung này".
Chuyển đổi số - mỗi bước đi nhỏ sẽ tạo nên sự thay đổi lớn, tác động mạnh mẽ đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội
Bài viết gần đây của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện cách mạng chuyển đổi số, bao gồm: Hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, kiên định mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời không ngừng đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội. Đẩy nhanh hiện đại hóa, cải cách, xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương - Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Bộ Công an nêu ý kiến: "Đây là những giải pháp toàn diện, chiến lược để chuyển đổi số thành động lực phát triển của lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất và đưa đất nước vào kỷ nguyên mới. Trong các giải pháp đã có dự tính sâu xa về cả về mặt thuận lợi và thách thức, trong đó đã đưa ra các nguyên tắc cốt lõi toàn bộ hệ thống chính trị phải tuân thủ triết lý lấy người dân làm trung tâm".
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định: "Thời gian còn lại của nhiệm kỳ, các địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện để bảo đảm hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình chuyển đổi số của địa phương mình. Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng, các cấp ủy có trách nhiệm cụ thể hóa các tư tưởng chỉ đạo này của đồng chí Tổng Bí thư về chuyển đổi số để đưa vào trong các văn kiện của cấp ủy của mình để đưa ra Đại hội trong thời gian tới".
Chuyển đổi số - mỗi bước đi nhỏ sẽ tạo nên sự thay đổi lớn, tác động mạnh mẽ đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội. Sự quyết liệt và tầm nhìn của những người đứng đầu cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp là yếu tố then chốt để thành công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!