VTV.vn- Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng khám, chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.
Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, lợi dụng nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng cao, các đối tượng không ngừng mạo danh bác sĩ thẩm mỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy để tạo lòng tin với khách hàng nhằm trục lợi bất chính.
Cụ thể, mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục phát hiện thêm một trang fanpage giả mạo, tự xưng là bác sĩ Trưởng khoa đang công tác tại Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy, có tên là "PGS TS BS Văn Thanh - Chuyên Khoa Thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy".
Đáng lưu ý, hình nền của trang giả mạo này còn sử dụng hình ảnh tập thể Khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy để cắt ghép, đưa hình bác sĩ giả mạo vào nhằm mục đích tạo lòng tin với các khách hàng, gây nên sự bức xúc không nhỏ cho các bác sĩ có mặt trong ảnh gốc.
Đối với hình thức lừa đảo trên, các đối tượng lừa đảo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo tên và hình ảnh của bác sĩ có uy tín hoặc danh tiếng trong lĩnh vực y tế. Các trang giả mạo này thường chia sẻ các bài viết liên quan đến sức khỏe, khám chữa bệnh để thu hút sự chú ý và tạo niềm tin cho người theo dõi.
Ngoài ra, để tạo thêm uy tín, đối tượng sẽ cung cấp hình ảnh các chứng chỉ, bằng cấp giả mạo hoặc chỉnh sửa hình ảnh để làm giả danh tính bác sĩ. Sau khi xây dựng lòng tin với người theo dõi, kẻ lừa đảo sẽ mời chào dịch vụ khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp hoặc ưu đãi đặc biệt. Đồng thời, sau khi nhận được tiền cọc hoặc thanh toán dịch vụ, đối tượng sẽ biến mất hoặc cung cấp thông tin y tế không chính xác, gây nguy hại cho sức khỏe người bệnh.
Trước thực trạng này, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, người dân tuyệt đối cẩn trọng trước các dịch vụ khám, chữa bệnh, bán thuốc trên mạng xã hội. Trước khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, hãy kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế, thực hiện xác minh qua website của các cơ quan y tế uy tín hoặc từ nguồn tin đáng tin cậy. Nếu có nhu cầu khám, chữa bệnh, hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng khám, chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!