Cảnh báo nguy cơ lãng quên bài học từ đại dịch COVID-19

VTVTimes - Thứ tư, ngày 26/03/2025 07:58 GMT+7

Nhiều chuyên gia khoa học đã lên tiếng cảnh báo rằng các bài học quan trọng từ đại dịch đang có nguy cơ bị lãng quên.

Cảnh báo nguy cơ lãng quên bài học từ đại dịch COVID-19
(Ảnh: AFP/Getty Images)

Bài học xương máu từ đại dịch COVID-19

Lời cảnh báo được báo Guardian đăng tải nhân kỷ niệm 5 năm kể từ khi Vương quốc Anh áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm kiểm soát dịch COVID-19.

Giáo sư Rowland Kao, Đại học Edinburgh, cho biết hệ thống bệnh viện của Anh vốn đã thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải vào mùa đông, ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ông nhận định rằng khi virus lây lan mạnh xuất hiện, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) gần như không thể ứng phó. Đáng lo ngại là đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy nước Anh sẽ sẵn sàng hơn nếu một đại dịch tương tự xảy ra trong tương lai.

Bên cạnh vấn đề y tế, các nhà khoa học cũng bày tỏ lo ngại về việc đánh giá chưa đầy đủ tác động tâm lý xã hội của các biện pháp phong tỏa. Giáo sư Dominic Abrams, Đại học Kent, nhấn mạnh rằng dù phong tỏa có thể phần nào làm giảm lây nhiễm, các biện pháp này lại không tính đến nhu cầu kết nối, tiếp xúc và sự hỗ trợ cộng đồng của con người. Ông cho rằng những tổn thương về tinh thần và xã hội vẫn còn sâu sắc và chưa được khắc phục.

co-1-71184005648277338709944.jpg

Nguy cơ tái diễn một đại dịch lớn nhân loại chủ quan và không thích ứng kịp thời. (Ảnh: Nippon)

Giáo sư Paul Hunter, Đại học East Anglia, cho biết hiện vẫn chưa có sự đồng thuận khoa học về hiệu quả của các biện pháp như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang hay xét nghiệm nhanh. Ông lưu ý rằng dù các biện pháp này giúp làm giảm lây nhiễm, nhưng lợi ích có vượt trội hơn tác hại hay không thì vẫn là vấn đề chưa rõ ràng.

Tiến sĩ Michael Head, Đại học Southampton, thừa nhận phong tỏa là một phần quan trọng trong ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, ông cho rằng cần có các biện pháp phong tỏa thông minh hơn và được triển khai sớm hơn trong các đợt bùng phát để hạn chế sự lây lan và rút ngắn thời gian giãn cách.

Ở góc độ toàn cầu, ông Andrew Shepherd, Giám đốc Mạng lưới tư vấn về tình trạng nghèo đói bền vững, nhấn mạnh rằng phong tỏa không phải là giải pháp phù hợp với tất cả quốc gia. Ông cho rằng trong đại dịch, các nước có nền kinh tế phát triển đã gây áp lực lên các nước có thu nhập thấp và trung bình buộc phải áp dụng phong tỏa, trong khi họ không có đủ nguồn lực để hỗ trợ người dân, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về nghèo đói và mất sinh kế.

Cũng trong dịp này, nhóm COVID-19 Bereaved Families for Justice UK, đại diện cho gần 10.000 gia đình có người thân qua đời trong đại dịch, đã gửi thư tới Thủ tướng Anh Keir Starmer, bày tỏ lo ngại về kế hoạch cắt giảm trợ cấp khuyết tật. Nhóm cho rằng bất bình đẳng xã hội là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở người khuyết tật trong đại dịch và cảnh báo rằng những chính sách cắt giảm phúc lợi hiện nay có thể khiến nước Anh ít được chuẩn bị hơn nếu phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế khác.​

Lời cảnh báo về nguy cơ tái diễn một đại dịch như COVID-19

Kể từ cuối năm 2024 đến đầu tháng 3/2025, dịch cúm mùa đã diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu và Mỹ, với số ca nhiễm cùng ca tử vong gia tăng nhanh chóng. Những hệ lụy do cúm mùa khiến thế giới không thể chủ quan và lời cảnh báo về diễn biến bất thường cùng biện pháp ứng phó với cúm mùa đã được các chính quyền cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với tình hình dịch bệnh năm nay.

Nhà vi trùng học nổi tiếng tại Hong Kong (Trung Quốc) Yuen Kwok-Yung - người đã có kinh nghiệm chiến đấu với những loại virus nguy hiểm nhất nhận định: "So sánh với đại dịch cúm Tây Ban Nha hồi năm 1918 có thể thấy dân số toàn cầu đã tăng lên ít nhất gấp 3 lần. Do đó, tôi hy vọng chính phủ các nước có thể lường trước các thách thức về những đại dịch tiềm ẩn có thể xảy ra trong tương lai. Giờ là lúc chúng ta cần nhìn lại những gì đã xảy ra vào thời kỳ dịch COVID-19 để rút ra những kinh nghiệm và phương hướng để biết nên làm gì tiếp theo".

cum-1-38442460227503774086150-95613489138193228760072-62579140119308131537496-37647499692342048305480.webp

Dịch cúm hoành hành tại châu Á trong hai tháng đầu năm. (Ảnh: China Daily)

Giới chuyên gia nhận định yếu tố thời tiết là một trong những nguyên nhân chính giải thích lý do mọi người dễ mắc cúm vào mùa đông. Các yếu tố như: nhiệt độ lạnh hơn và ít nắng hơn - có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của bệnh cúm, do nhiệt độ lạnh hơn hạn chế phản ứng miễn dịch bẩm sinh của con người.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng trên thực tế, việc giảm nhiệt độ bên trong mũi chỉ 5°C sẽ tiêu diệt gần một nửa trong số hàng tỷ tế bào chống vi khuẩn và virus trong lỗ mũi. Ngoài ra, không khí khô khiến các giọt dịch tiết từ đường hô hấp bốc hơi nhanh hơn, làm cho các giọt bắn và hạt chứa virus cúm trở nên nhỏ nhẹ hơn, có thể di chuyển xa hơn và tồn tại lâu hơn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm khi ho hoặc hắt hơi. Nguy hiểm hơn, không cần phải giao tiếp trực tiếp với người bị cúm mới bị lây. Chúng ta có thể nhiễm cúm khi chạm vào những bề mặt đồ vật có virus.

Những diễn biến nghiêm trọng của dịch cúm năm nay và kinh nghiệm phòng chống dịch tại nhiều quốc gia, là lời nhắc nhở để các quốc gia không nên lơ là, chủ quan trước những biến thể không ngừng của các loại vi trùng, virus trong tương lai./.

Bài liên quan
Sau hơn 70 năm kiên trì nỗ lực, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là quốc gia thứ 21 trên thế giới thanh toán thành công bệnh mắt hột – một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đây là dấu mốc quan trọng, không chỉ khẳng định năng lực hệ thống y tế dự phòng mà còn thể hiện sự chung tay bền bỉ của cả cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Sau hơn 70 năm kiên trì nỗ lực, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là quốc gia thứ 21 trên thế giới thanh toán thành công bệnh mắt hột – một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đây là dấu mốc quan trọng, không chỉ khẳng định năng lực hệ thống y tế dự phòng mà còn thể hiện sự chung tay bền bỉ của cả cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tóc bạc không chỉ là dấu hiệu của tuổi già mà còn có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác như di truyền, rối loạn nội tiết, thiếu hụt dinh dưỡng hay căng thẳng kéo dài. Việc hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bạn có biện pháp chăm sóc phù hợp để giữ mái tóc luôn khỏe mạnh và tươi trẻ.
26/03/2025
Viêm não tự miễn là bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng và để lại nhiều di chứng nghiêm trọng ở trẻ nếu không được phát hiện sớm. Bệnh thường biểu hiện bằng các triệu chứng rối loạn hành vi, ngôn ngữ, trí nhớ, co giật và có thể tiến triển nhanh chóng.
26/03/2025
Chính quyền một số nước tại châu Âu đã tiêu hủy hàng nghìn con gia súc, đóng cửa biên giới trên diện rộng nhằm nỗ lực ngăn chặn dịch lở mồm long móng bùng phát.
26/03/2025
Mới đây, một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc đã phát hiện ra cơ chế "trục ruột-khớp" chưa từng được biết đến trước đây, là yếu tố thúc đẩy bệnh thoái hóa khớp.
26/03/2025
Tin mới