Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ, trong đó đề xuất xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo nhằm bảo đảm thực hiện đúng chủ trương “lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp” theo quy định của Luật Nhà giáo sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Luật Nhà giáo vừa được Quốc hội thông qua, trong đó quy định rõ tại Điều 23, khoản 1, điểm a: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Tuy nhiên, dẫn lời ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Giáo dục và Thời đại cho hay – quy định hiện hành chưa thể hiện được chủ trương này khi bảng lương áp dụng cho giáo viên vẫn đang chung với các ngành, lĩnh vực khác.
Thực tế, phần lớn nhà giáo hiện nay (chiếm khoảng 90%) là giáo viên mầm non, phổ thông và dự bị đại học – các đối tượng đang được xếp lương thấp hơn so với nhiều chức danh viên chức ở các ngành như y tế, văn hóa nghệ thuật, thể thao, khoa học công nghệ hay thông tin truyền thông. Điều này chưa phản ánh đúng tính chất đặc thù nghề nghiệp cũng như áp lực công việc của đội ngũ giáo viên, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục đang gặp nhiều khó khăn về nhân lực.
Vì vậy, trong hồ sơ xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT đề xuất xếp lại bảng lương đối với một số chức danh cụ thể như giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV… để đảm bảo tính thống nhất giữa bảng lương của các chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo với viên chức các ngành khác, đồng thời góp phần nâng cao đời sống và động lực cống hiến cho đội ngũ nhà giáo.
Dự thảo Nghị định cũng đề xuất thiết lập hệ số lương đặc thù cho nhà giáo, dao động từ 1,1 đến 1,6 tùy theo cấp học và trình độ đào tạo. Mức hệ số này được tính toán nhằm bảo đảm mức lương nhà giáo cao hơn so với viên chức ở cùng bảng lương thuộc ngành, lĩnh vực khác; đồng thời, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa nhà giáo trẻ và nhà giáo lâu năm làm cùng vị trí việc làm.
Ông Vũ Minh Đức cho biết, các giải pháp này được xây dựng trên cơ sở các quy định hiện hành tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP và sẽ là nền tảng để thực hiện khi chính sách cải cách tiền lương mới của Chính phủ được ban hành, với mục tiêu lâu dài là đảm bảo nhà giáo được xếp lương “cao nhất” như tinh thần Luật Nhà giáo./.
Hiện nay, ngoài tiền lương theo bảng lương quy định chung, nhà giáo còn được hưởng một số phụ cấp như phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi... góp phần tăng thu nhập. Đối với các nhà giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường chuyên biệt, còn được nhận thêm nhiều loại trợ cấp, phụ cấp phù hợp. Ngoài ra, tùy theo tính chất công việc, nhà giáo có thể được hưởng phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp nặng nhọc, độc hại, thù lao kiêm nhiệm và các chính sách ưu đãi đặc thù trong giáo dục hòa nhập.