Dự kiến, năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ sẽ đạt 750.000 ha, tăng 1,8% so với năm 2024.
Dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 737.000 ha (trong đó diện tích tôm sú 622.000 ha và diện tích tôm chân trắng 115.000 ha), với sản lượng đạt 1,2 tấn, tăng 5,3% so với năm 2023 (trong đó sản lượng tôm sú 283.900 tấn, tăng 3,% và tôm chân trắng 980.400 tấn, tăng 6%).
Dự kiến, năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ sẽ đạt 750.000 ha, tăng 1,8% so với năm 2024, và sản lượng đạt 1,2 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước đó.
Theo Kinh tế Đô thị, nói về cơ hội và thách thức với ngành thủy sản Việt Nam năm 2025, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết, nền kinh tế thế giới hồi phục, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu có chiều hướng tích cực hơn... sẽ là cơ hội tốt cho ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, và Trung Quốc đang hồi phục, kéo theo nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản tăng trưởng tích cực. Đồng thời, các thị trường mới nổi như châu Phi, Đông Nam Á, và Trung Đông cũng hứa hẹn mở rộng, tạo thêm cơ hội cho sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA và CPTPP tiếp tục giúp ngành thủy sản giảm thuế, mở rộng thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Mặt khác, việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng và tận dụng phụ phẩm thủy sản phù hợp với tiêu chí kinh tế tuần hoàn sẽ gia tăng giá trị và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế.
Đặc biệt, chính sách thuế mới của Mỹ, nếu được triển khai, có thể tạo cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam khi các sản phẩm từ Trung Quốc và các nước đối thủ chịu mức thuế cao hơn. Cụ thể, theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt, nếu trong thời gian tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu đối với thủy sản Trung Quốc từ 60 - 100%, cao hơn so với các nước khác (từ 10 - 20%) thì ngành cá tra Việt sẽ được hưởng lợi đáng kể.
Theo VASEP, giá tôm trong nước dịp cuối năm phục hồi, nguồn cung tôm nguyên liệu khan hiếm, các hệ thống phân phối lớn trên thế giới tăng tìm kiếm nguồn cung từ tôm Việt Nam, mặc dù giá cao hơn nhưng đảm bảo an toàn, dẫn đến đơn hàng tăng khá.
Để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, VASEP nhấn mạnh, lĩnh vực nuôi tôm cần được tạo động lực như người nuôi có thể được thế chấp, vay vốn ngân hàng một cách bình thường, cấp giấy phép mặt nước cho người dân để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng. Kiểm tra chặt hơn việc lưu thông, tiêu thụ tôm giống kém chất lượng.
Từ đó, VASEP đề xuất Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng để khơi thông lợi thế cho xuất khẩu tôm Việt Nam.
Trong thời gian tới, ngành tôm cần chuyển đổi tư duy: Thay vì chỉ chú trọng vào sản lượng và công nghệ cao, cần ưu tiên bền vững và hiệu quả, tập trung vào chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe và giá trị sản phẩm./.