Philippines là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam. Mặc dù Chính phủ Philippines đang đầu tư nhiều hơn cho nông dân để tăng sản lượng và tìm cách đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, gạo Việt Nam vẫn giữ vững chỗ đứng với những lợi thế cạnh tranh rõ rệt.
Trong nhiều năm qua, sản xuất lúa gạo nội địa của Philippines không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Năm 2025, với sự hỗ trợ từ Chính phủ, nước này đặt mục tiêu sản xuất 20,46 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, mức tăng sản lượng này vẫn không đủ để giúp Philippines tự chủ, buộc họ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Dự báo, năm 2025, Philippines sẽ nhập khẩu từ 4,92 triệu tấn, có thể vượt mức 5 triệu tấn. Trong đó, gạo Việt Nam vẫn là nguồn cung chính.
Philippines đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và ký kết thỏa thuận hợp tác với Campuchia. Tuy nhiên, hiệu quả từ các thỏa thuận này chưa rõ ràng. Các chính sách kiểm soát giá bán lẻ gạo nội địa của Philippines có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của các nhà nhập khẩu, từ đó tác động đến xuất khẩu gạo của Việt Nam. Dù vậy, trong ngắn hạn, khả năng tự sản xuất đủ gạo của Philippines vẫn còn hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng.
Gạo Việt Nam có nhiều ưu thế. Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài, uy tín với các đối tác Philippines. Thứ hai, chất lượng gạo Việt Nam đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng – từ người có thu nhập trung bình đến cao. Thứ ba, nguồn cung ổn định và giá cả cạnh tranh giúp Việt Nam duy trì vị thế trên thị trường.
Trong những năm qua, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines luôn chiếm từ 40% đến gần 45% về lượng và giá trị so với tổng xuất khẩu gạo của cả nước. Philippines vẫn sẽ là thị trường quan trọng trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, không thể chủ quan. Doanh nghiệp Việt cần tiếp tục củng cố vị thế tại Philippines, đồng thời mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa mặt hàng gạo xuất khẩu. Không chỉ tập trung vào các loại gạo chất lượng cao, Việt Nam nên phát triển thêm các dòng gạo trung bình và thấp để phục vụ nhóm khách hàng có thu nhập thấp – vốn chiếm phần lớn tại các quốc gia nhập khẩu như Philippines. Qua đó, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu một cách bền vững.