7,52% là mức tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất cùng kỳ trong 15 năm qua.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm nay đạt 7,52%, trong khi năm ngoái chỉ là 6,64% và nếu tính suốt từ năm 2011 đến nay thì mức 7,52% được xem là cao nhất trong kỳ 6 tháng.
Đóng góp vào đà tăng này, lớn nhất phải kể đến khu vực dịch vụ với tỷ trọng hơn 52%, tiếp theo là khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp hơn 42%. Tỷ trọng cao vậy mà cả 2 khu vực này đều có mức tăng hơn 8% trong nửa đầu năm nay nên đã giúp cho kinh tế 6 tháng qua đạt được mức tăng trưởng ấn tượng.
Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho biết: "Động lực chính nếu xét từ phía sản xuất là từ công nghiệp và ngành dịch vụ thị trường. Xét từ mặt cầu thì toàn bộ phần tích lũy của chúng ta, tức đầu tư với mức tăng đầu tư chung của toàn xã hội lên 9,8%. Chúng ta đã nỗ lực hết sức sản xuất cung cấp các sản phẩm trong nước và duy trì được mức xuất khẩu về thế giới, nhờ sản xuất công nghiệp mà chúng ta có mức xuất khẩu ấn tượng là hơn 14%".
Tăng trưởng GDP cao nhất 15 năm, nhưng mức tăng chỉ số giá bình quân (CPI) 6 tháng đầu năm chỉ là 3,27% và lạm phát cơ bản có 3,16% đã cho thấy giá cả được kiểm soát ở mức hợp lý. Điều này giúp bảo toàn sức mua của đồng tiền, người dân và người tiêu dùng ít chịu áp lực về giá cả, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cho tăng trưởng thực chất và hiệu quả.
Để có được điều này, còn phải kể tới sự hỗ trợ từ các chính sách tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân và theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả quốc tế các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp, nên đã góp phần kiềm chế lạm phát trong thời gian qua.
Ngoài ra, thu nhập của người lao động cũng được đảm bảo khi Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng qua tăng 9,2%, mức cao nhất trong nhiều năm, qua đó phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang khởi sắc, đơn hàng phục hồi, sản lượng đầu ra tăng lên. Đặc biệt là việc 62/63 địa phương trước sáp nhập có IIP đều tăng cho thấy sự lan tỏa của quá trình phục hồi công nghiệp trên phạm vi cả nước.
Sự phục hồi trong sản xuất kinh doanh trong 6 tháng qua càng rõ nét hơn khi có đến hơn 91.000 doanh nghiệp đăng ký và thành lập mới, tăng gần 12%. Nhưng đáng chú ý hơn là tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng hơn gấp rưỡi cùng kỳ. Những kết quả này cho thấy một lượng lớn doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn, tái gia nhập thị trường, từ đó tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập cho người dân.
Xuất khẩu đạt trên 219 tỷ USD - Lực đẩy 12% cả năm
Đơn hàng gia tăng, khởi sắc thêm một lần khẳng định khi nhìn vào con số - trên 219,8 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nửa đầu năm - tăng 14,4% so với cùng kỳ. Tỷ trọng hàng hóa lớn nhất thuộc về hàng công nghiệp chế biến, còn ở chiều ngược lại là nhập khẩu tư liệu sản xuất phục vụ sản xuất kinh doanh.
7,52% là mức tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa.
Trong nửa đầu năm, xuất khẩu của ngành dệt may đạt khoảng 21,7 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy, ngành dệt may đang quay trở lại mức đỉnh cao của ngành vào giai đoạn bứt phá cuối năm 2021.
Mỹ, EU và Nhật Bản tiếp tục là những thị trường chủ lực, qua đó tiếp tục giữ vị thế thị phần cao của dệt may Việt Nam tại các thị trường này.
Ngoài dệt may, 6 tháng qua Việt Nam còn có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào nhóm hàng công nghiệp chế biến và nông lâm thủy sản.
Trong bối cảnh đó thì tình hình địa chính trị trên thế giới cũng có nhiều diễn biến phức tạp, gây ra nhiều thách thức lớn cho xuất khẩu trong nửa cuối của năm nay.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Việc tăng trưởng đều đặn ở đây thì cũng phụ thuộc rất nhiều vào cái sự đa dạng của ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, sự đa dạng các thị trường của Việt Nam".
Bên cạnh việc chúng ta tận dụng được các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thì cũng phải chuẩn bị một nền tảng sản xuất bền vững, minh bạch. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng trong bối cảnh thương mại hiện nay, để chứng minh là hàng hóa làm ra không phải là hàng chuyển tải hoặc gian lận xuất xứ.
Gia tăng cùa dòng vốn FDI
6 tháng đầu năm, Việt Nam đã tiếp tục chứng kiến sự gia tăng cùa dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Nửa đầu năm nay, tổng vốn FDI đăng ký tăng hơn 32% lên hơn 21,5 tỷ USD, cũng là mức cao nhất 15 năm qua.
Vốn thực hiện, tức là số vốn thực tế mà nhà đầu tư nước ngoài đổ vào nền kinh tế đạt gần 12 tỷ USD, tăng hơn 8%, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhờ những thay đổi về thể chế với nhiều điều kiện thuận lợi hơn cùng chiến lược thu hút vốn có chọn lọc, ưu tiên công nghệ cao.
Ông Chen Chi Liang - Tổng Giám đốc Công ty Pegatron Việt Nam cho biết: "Việc Việt Nam ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư chất lượng cao, đạt các tiêu chí ESG thay vì cho phép đầu tư ồ ạt là bước đi đúng đắn, góp phần xây dựng kinh tế phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp".
Vốn đầu tư công đạt hơn 268 nghìn tỷ đồng
Ngoài vốn FDI, không thể không nhắc đến nguồn vốn đầu tư công, khi 6 tháng đầu năm giải ngân nguồn vốn này đạt hơn 268 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 80 nghìn tỷ đồng.
Kể từ ngày 1/7, sau khi cả nước vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp đang mở ra dư địa lớn để huy động tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển.
Môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, kết hợp với các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm thuế, phí và lãi suất, sẽ trở thành những động lực quan trọng đưa Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới - toàn diện và bền vững.
Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Phát triển hạ tầng, Bộ Tài chính cho hay: "Đối với các dự án có thể đẩy nhanh được tiến độ hơn nữa mà vẫn có nhu cầu vốn thì chúng tôi sẽ cân đối trên các bộ ngành địa phương không có khả năng giải ngân sẽ phải cắt vốn để bố trí vốn đảm bảo hiệu quả của đồng vốn bỏ ra".
Huy động tổng đầu tư toàn xã hội
Ngoài vốn đầu tư công, vốn FDI thì nguồn lực lớn từ xã hội cũng cần phải huy động. Đây là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã yêu cầu đến các bộ, ngành địa phương.
Cần tăng tốc huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm ngoái để phục vụ tăng trưởng. Theo Ngân hàng thế giới, khi Việt Nam có định hướng mới, nâng cao vai trò của kinh tế tư nhân thì sẽ huy động được nguồn lực toàn xã hội.
Bà Mariam Sherman - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhận định: "Điều quan trọng là Việt Nam cần huy động vốn tư nhân, vốn từ xã hội để gia tăng nguồn lực bên cạnh dòng vốn tín dụng từ ngân hàng. Có như vậy, Việt Nam mới gia tăng được tiềm lực, có được sự cạnh tranh tốt nhất, lợi ích tốt nhất cho toàn xã hội, cho toàn nền kinh tế trong bối cảnh thế giới nhiều biến động".
Với nền tảng vững chắc là mức tăng GDP 7,52% trong nửa đầu năm đang tạo đà quan trọng để cả nước hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay như đã đề ra.