Năm 2024, xuất khẩu cà phê Việt Nam dự kiến đạt hơn 5,5 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay, khẳng định vị thế quốc gia hàng đầu trong phân khúc cà phê Robusta trên thế giới.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cà phê Việt Nam đã chinh phục hơn 80 quốc gia, trong đó có 10 thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu USD. Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục giữ vai trò thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024, với giá trị 2 tỷ USD, tăng 41% so với niên vụ trước. EU chiếm 38% về lượng và 37% về kim ngạch tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Việt Nam hiện là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, đứng thứ hai về tổng sản lượng xuất khẩu sau Brazil. Cà phê Robusta Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế và được quốc tế công nhận. Năm 2024, ngành hàng này kỳ vọng cán mốc giá trị xuất khẩu 5,5 tỷ USD, đánh dấu bước phát triển vượt bậc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để ngành cà phê phát triển bền vững, cần tập trung rà soát và cải tạo các vùng trồng trọng điểm, ưu tiên nhân rộng các giống cà phê năng suất, chất lượng cao. "Không chạy theo số lượng, mà quan tâm đến chất lượng", ông Tiến khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam và các địa phương xây dựng thương hiệu riêng cho từng vùng trồng, đồng thời thúc đẩy xúc tiến thương mại và kiến nghị chính sách hỗ trợ toàn diện từ sản xuất, chế biến đến thương mại.
Những ngày đầu tháng 12/2024, giá cà phê trên các sàn giao dịch quốc tế tăng mạnh. Theo các chuyên gia, giá tăng chủ yếu do nguồn cung toàn cầu ngày càng hạn chế trong khi nhu cầu vẫn tăng cao. Các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam và Brazil cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, dẫn đến áp lực cung ứng.
Với sự tăng trưởng ổn định và những định hướng phát triển đúng đắn, ngành cà phê Việt Nam đang mở ra cơ hội lớn, không chỉ nâng cao giá trị xuất khẩu mà còn khẳng định vị thế trên bản đồ cà phê thế giới.