VTV.vn - Hà Nội sở hữu hệ thống di sản phong phú, hội tụ tinh hoa văn hóa truyền thống, đặc biệt là các di tích lịch sử - văn hoá.
Nhận thức tầm quan trọng của nguồn tài nguyên này, Hà Nội có nhiều sáng tạo trong khai thác giá trị di tích, góp phần phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt là công nghiệp văn hóa, sáng tạo.
Hội quán Quảng Đông là nơi lưu giữ ký ức con phố Hàng Buồm. Năm 2019, Hà Nội bắt đầu tu bổ, biến nơi đây thành trung tâm triển lãm ấn tượng, điểm hẹn của những người đam mê sáng tạo trên nền văn hóa truyền thống. Gần đó, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, nền móng là Rạp hát Lạc Việt hàng trăm năm tuổi, giờ là nơi quảng bá văn hóa, kết nối quá khứ và hiện tại.
Chị Alisha - du khách Ấn Độ - bày tỏ: "Tôi cảm nhận sức sống văn hóa truyền thống Việt Nam trong những không gian như thế này. Kiến trúc, nghệ thuật, sáng tạo rất hòa quyện và hấp dẫn".
Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lịch sử-văn hóa, di tích kiến trúc, nghệ thuật và danh lam thắng cảnh lớn nhất cả nước.
KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: "Hà Nội đang nỗ lực biến di sản trở thành nơi phô diễn văn hóa, không gian sáng tạo và cảm hứng cho công nghiệp văn hóa".
Trong khi đó, ban đêm, nhiều di tích quốc gia đặc biệt của thủ đô được đánh thức nhờ các sản phẩm văn hóa thu hút du khách. Hoàng thành Thăng Long, Nhà Tù Hỏa Lò, Đền ngọc Sơn, Văn miếu Quốc tử giám... đã khai thác yếu tố lịch sử nhờ show diễn kết hợp công nghệ, đặt nền móng cho kinh tế di sản của thủ đô.
PGS.TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhận định: "Hà Nội sở hữu hàng ngàn di tích, trong đó có 21 di tích - cụm di tích Quốc gia đặc biệt. Theo các chuyên gia, Hà Nội cần xây dựng cơ sở dữ liệu cụ thể cho từng di tích để quản lý, khai thác hiệu quả, biến báu vật ông cha để lại thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa hấp dẫn".
TS. Nguyễn Thị Thu Hà (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho rằng, Hà Nội cần nghiên cứu chuyên sâu các di tích, từ đó xây dựng những sản phẩm văn hóa, du lịch cụ thể.
Hiện công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của Hà Nội, cao hơn trung bình cả nước. Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 8% GRDP Thủ đô vào năm 2030, khẳng định sức mạnh văn hóa của Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!