Với dân số hơn 8,5 triệu người, Hà Nội có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn. Do đó, việc kiểm soát an toàn, vệ sinh thực phẩm luôn được chú trọng, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và duy trì trật tự xã hội trên địa bàn.
Những năm qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo TP Hà Nội. Sở Y tế Hà Nội, với vai trò thường trực Ban chỉ đạo công tác ATTP, đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành để đẩy mạnh truyền thông, tổ chức tập huấn và nâng cao nhận thức về vệ sinh thực phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được thực hiện thường xuyên với sự phối hợp đồng bộ, tránh chồng chéo và xử lý nghiêm các vi phạm. Các kết quả kiểm tra, xử lý cũng được công bố kịp thời trên các phương tiện truyền thông để tăng tính minh bạch.
Dù vậy, tình trạng vi phạm ATTP trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra phổ biến. Trong năm 2023, Hà Nội đã kiểm tra 86.689 cơ sở, xử phạt 10.750 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 17 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có 67.302 cơ sở bị kiểm tra, trong đó 8.114 cơ sở vi phạm bị xử lý với số tiền phạt trên 13 tỷ đồng.
Các vi phạm phổ biến gồm việc không đảm bảo điều kiện trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm và sử dụng dụng cụ, bao bì không đúng quy định, chiếm 20,95% tổng số vụ bị xử phạt. Đặc biệt, các vi phạm liên quan đến kinh doanh dịch vụ ăn uống như nhà hàng, bếp ăn tập thể, căng tin, hay quầy thức ăn chín chiếm trung bình 30%/năm, có năm lên tới 38%.
Trước tình hình này, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết áp dụng mức phạt hành chính gấp đôi so với quy định tại các nghị định hiện hành. Cụ thể, các vi phạm về điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm có thể bị phạt cao nhất lên đến 30 triệu đồng.
Theo báo Quân đội nhân dân, phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh rằng việc xây dựng các chính sách đặc thù theo Luật Thủ đô 2024 là cần thiết để tăng tính răn đe và hạn chế vi phạm. Các cơ chế này không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe người dân mà còn đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.