Hàng Việt đang chiếm ưu thế trên thị trường Tết Nguyên đán năm nay. Đại diện nhiều siêu thị cho biết, trong cơ cấu hàng hóa có đến 90% là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Hiện nay, trên thị trường, các mặt hàng phục vụ Tết rất đa dạng, phong phú. Đặc biệt, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm lĩnh phần lớn trên kệ hàng của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, chủ yếu đến từ các thương hiệu Việt.
Tại các chợ truyền thống, hàng Việt cũng chiếm ưu thế. Trên các tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng bánh kẹo tại Hà Nội như Hàng Giầy, Hàng Buồm, chợ Hôm Đức Viên, Hàng Bè…, hầu hết các sản phẩm bầy bán được cung cấp từ doanh nghiệp nội. Các chủ cửa hàng cho biết, năm nay sức tiêu thụ bánh kẹo nội cao cấp vẫn mạnh hơn bánh kẹo ngoại bởi chất lượng không thua kém nhưng giá chỉ bằng khoảng một nửa.
Theo đánh giá của bà Vũ Thị Hậu - nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, chiếm lòng tin người tiêu dùng, thời gian qua doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh đầu tư dây chuyền sản xuất tạo sự bứt phá trong việc nâng chất lượng sản phẩm, đa dạng chủng loại, bao bì... quan trọng hơn cả là giá bán rẻ hơn hàng ngoại nhập. Hàng Việt ngày càng có lợi thế nhờ đáp ứng được cả ba yếu tố: giá cả cạnh tranh, chất lượng cải thiện và mẫu mã phù hợp. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, việc ưu tiên hàng Việt không chỉ giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí mà còn hỗ trợ phát triển kinh tế trong nước.
Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội - cho biết, để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết, thành phố đã ban hành chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân 2025.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn chung tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn nên việc mua sắm Tết Ất Tỵ 2025 của người Việt sẽ thay đổi theo hướng tiết kiệm, đơn giản. Vì vậy doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh dự trữ hàng hóa, đồng thời tổ chức các chương trình giảm giá kích cầu tiêu dùng./.