Nếu Indonesia dừng nhập khẩu gạo trong năm 2025, điều đó sẽ tạo ra một sự sụt giảm về nhu cầu khá lớn trên thị trường quốc tế.
Giới chức trách Indonesia tuyên bố, nước này sẽ không nhập khẩu gạo, bắp, đường và muối trong năm 2025 nhờ nguồn dự trữ và sản lượng trong nước dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu.
Indonesia cũng dự kiến tăng cường dự trữ gạo trong năm tới bằng cách thu mua gạo của nông dân trong nước. Chính phủ nước này sẽ nâng mức dự trữ gạo lên 2,5 triệu tấn để củng cố năng lực tự cung tự cấp lương thực. Nếu tính cả các nhà bán lẻ, số gạo dự trữ trên toàn quốc ước tính lên tới 8 triệu tấn vào cuối năm nay.
Theo dữ liệu của Cơ quan thống kê trung ương Indonesia (BSP), sản lượng gạo trong nước trong năm 2024 ước tính đạt 30,34 triệu tấn, giảm 2,43% so với mức sản lượng 31,1 triệu tấn được ghi nhận vào năm ngoái.
Chính phủ Indonesia đang triển khai thực hiện chương trình phát triển 3 triệu ha đất trồng lúa mới để củng cố tính bền vững lương thực của đất nước trong bối cảnh đối mặt các thức thách toàn cầu và nhu cầu trong nước ngày càng lớn do dân số tăng.
"Chương trình này là một phần trong các bước đi chiến lược nhằm giải quyết mối đe dọa khủng hoảng lương thực toàn cầu và duy trì sự ổn định trong ngành nông nghiệp quốc gia", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Sudaryono cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 10.
Ông nhấn mạnh, Indonesia cũng sẽ tăng cường sử dụng các giống lúa chất lượng cao, hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu và cơ giới hóa các hoạt động nông nghiệp. Ông Sudaryono lưu ý, trong những năm gần đây, đất đai nông nghiệp ở Indonesia suy giảm do chuyển đổi sử dụng sang mục đích công nghiệp và nhà ở. Trong khi đó, hệ thống lương thực toàn cầu chịu sự tác động lớn từ các bất ổn kinh tế, biến đổi khí hậu và các cuộ xung đột vũ trang làm gián đoạn các chuỗi cung ứng quốc tế.
Nếu Indonesia dừng nhập khẩu gạo trong năm 2025, điều đó sẽ tạo ra một sự sụt giảm về nhu cầu khá lớn trên thị trường quốc tế. Đất nước đông dân nhất Đông Nam Á này là một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Theo BSP, trong 11 tháng đầu năm, Indonesia nhập khẩu 3,85 triệu tấn gạo, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng gạo nhập khẩu này chủ yếu đến từ Thái Lan (1,19 triệu tấn), Việt Nam (1,12 triệu tấn) và Myanmar (642.000 tấn).
Trong báo cáo gần đây, các nhà phân tích của S&P Global dự đoán, lượng gạo nhập khẩu của Indonesia trong năm tới giảm 44,5% so với năm nay. Điều này là nhờ Bulog tăng cường nhập khẩu gạo trong hai năm qua để ứng phó hiện tượng El Nino kéo dài./.