Năm 2024, kinh tế toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như xung đột địa chính trị leo thang, giá dầu giảm, giá vàng tăng và thị trường tài chính biến động mạnh. Tuy nhiên, trong bức tranh chung, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo thống kê năm 2024, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát bình quân 11 tháng ở mức 3,69%, thấp hơn ngưỡng mục tiêu 4%. Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,5% so với cuối năm 2023, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, kinh doanh và nhà ở xã hội.
Nhiều biện pháp được NHNN triển khai nhằm đảm bảo chương trình vay ưu đãi cho các doanh nghiệp trong năm 2024. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước( NHNN) đã triển khai nhiều chương trình tín dụng như gói 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở công nhân và cải tạo chung cư, cũng như hỗ trợ ngành lâm nghiệp, thủy sản. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn. Tính đến cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,96%/năm so với năm 2023, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Theo các chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), tốc độ tăng trưởng tín dụng đang tiến gần mục tiêu 15% của NHNN. Sự phục hồi kinh tế được dự đoán sẽ diễn ra mạnh mẽ vào năm 2025, nhờ đầu tư công và nhu cầu trong nước, quốc tế đều gia tăng.
Năm 2024 cũng ghi nhận nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Hai trong số bốn ngân hàng yếu kém đã được chuyển giao bắt buộc, góp phần lành mạnh hóa hệ thống tài chính. Theo các chuyên gia, các biện pháp này không chỉ củng cố sự ổn định của hệ thống ngân hàng mà còn mở đường cho các sáng kiến hỗ trợ vốn, đặc biệt là trong phát triển kinh tế xanh và chuyển đổi số.
NHNN tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho những lĩnh vực như năng lượng sạch, tiêu dùng xanh, và sản xuất bền vững. Đây là những ưu tiên chiến lược để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế dài hạn và đáp ứng các yêu cầu của thị trường toàn cầu.
Năm 2024, Việt Nam đặc biệt chú trọng đến tài trợ vốn cho các dự án phát triển xanh. Chính phủ và NHNN đã phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy các dự án về năng lượng tái tạo, sản xuất xanh, và tiêu dùng bền vững. Việc này không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Chính Phủ và NHNN tập trung hỗ trợ về tái tạo năng lượng và phát triển năng lượng xanh. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng tăng cường bảo mật trong thanh toán điện tử và phát triển ngân hàng số, mang lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng và giảm thiểu rủi ro trong giao dịch tài chính.
Những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách hệ thống ngân hàng trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho sự phục hồi nhanh chóng vào năm 2025. Các chuyên gia dự báo hoạt động sản xuất và thương mại sẽ bùng nổ, cùng với sự thúc đẩy từ đầu tư công. Các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong giai đoạn 2021-2025 cũng được triển khai mạnh mẽ, tạo việc làm và kích cầu nội địa.
Trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã thể hiện khả năng ứng phó linh hoạt, giữ vững ổn định vĩ mô, và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Với những chính sách điều hành hiệu quả, năm 2024 không chỉ là thời điểm vượt qua thử thách mà còn là bàn đạp cho những bước tiến lớn trong tương lai.