VTV.vn - Để con tôm Việt Nam có thêm sức cạnh tranh, trong chiến lược phát triển, con tôm sạch vẫn chiếm một vai trò quan trọng.
Giảm dịch bệnh, tập trung đầu tư vùng nuôi, chủ động nguyên liệu, mở rộng những khách hàng mới... là những giải pháp cần được ưu tiên. Mục tiêu là giúp ngành tôm tăng cường tăng cường sức mạnh nội tại, gia tăng sức cạnh tranh ở những thị trường lớn và khó tính.
Cho ăn, đo lường tự động; xử lý nước tuần hoàn; tận thu phân, không xả thải; nuôi không sử dụng kháng sinh… nhờ cách làm này mà khu nuôi của bà con trong Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản 30/4, Hòa Bình, Bạc Liêu đa phần đều mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với kiểu nuôi ao đất trước đây.
Hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có 25 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã và gần 1.000 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao.
"Gần như là người nuôi tôm đã chuyển sang hướng công nghệ nên việc kiểm soát trong công nghệ cao dễ dàng hơn trước nhiều. Cái thứ hai nữa là nó giảm được lao động, một người có thể quản lý mấy ngàn m2", ông Tạ Hoàng Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu cho biết.
Ông Long Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu cho hay: "Vừa qua thì công nghệ gắn liền với sáng tạo và thực tiễn địa phương cho ra hiệu quả rất khả quan, tăng sản lượng lên đến 150 tấn/ha/năm và tăng sản lượng thành công gần như tuyệt đối….".
Để tăng sức cạnh tranh của con tôm trên thị trường quốc tế, ngoài những thay đổi trong sản xuất cần phải khép kín chuỗi giá trị ở khâu chế biến.
9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm của Bạc Liêu đạt hơn 700 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Con số này được kỳ vọng sẽ có thay đổi lớn trong những tháng cuối năm. Vì đây thường là thời điểm xuất khẩu tôm tăng tốc do nhu cầu các nhà nhập khẩu tăng cao, phục vụ lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!