Hằng năm, vào ngày mùng 7 - 8 tháng Giêng, tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, người dân lại nô nức trẩy hội “rước Chúa Gái”. Lễ hội đã được công nhận là Di sản Văn hoá Phi vật thể Quốc gia năm 2024.
Lễ hội rước Chúa Gái là một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian có lịch sử lâu đời, gắn liền với truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh và Ngọc Hoa công chúa – con gái Vua Hùng thứ 18. Lễ hội tái hiện sự kiện Tản Viên Sơn Thánh đến núi Hùng rước công chúa Ngọc Hoa về núi Tản, thể hiện nét văn hóa tâm linh độc đáo của cư dân nông nghiệp thời Hùng Vương.
Chuẩn bị chu đáo từ trong Tết Nguyên Đán
Ngay từ những ngày giáp Tết, hai làng Vi và Trẹo đã bắt đầu chuẩn bị cho lễ hội. Việc tuyển chọn người đóng Chúa Gái, chủ tế, quan viên, đội chân cờ, đội kiệu, người diễn trò “Bách nghệ khôi hài” đều được thực hiện dựa trên những tiêu chí truyền thống như gia đình hòa thuận, không có tang ma, người khỏe mạnh, có đạo đức, từng trải và có kinh nghiệm.
Từ ngày 28 tháng Chạp, tất cả các đình làng Vi và Trẹo đều thắp đèn nhang liên tục đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng. Nhà của Chúa Gái cũng được trang hoàng với đèn hoa và bàn thờ thần linh để chuẩn bị cho nghi thức rước.
Hình ảnh về lễ hội.
Các nghi thức quan trọng trong lễ hội
Vào đêm Giao Thừa (30 tháng Chạp), cả hai làng giữ không khí trang nghiêm, không ai được gây tiếng động lớn, chó không được sủa, mèo không được kêu. Đến giờ Hợi (9 - 10 giờ đêm), mỗi làng cử một ông trưởng phe cùng thanh niên trai tráng mang gà giò đến cây Hương đầu làng Vi làm lễ – nơi xưa kia Ngọc Hoa công chúa từng nghỉ chân.
Sáng mùng 4 tháng Giêng, lễ “Tế lợn hèm” và “Chạy địch” diễn ra với trò chơi săn lợn, cũng là một hình thức chạy thi truyền thống của lễ hội. Đến tối ngày mùng 6 tháng Giêng, ở đình Đông và đình Trẹo tổ chức “Lễ tế sóc và trình voi ngựa”, hay còn gọi là Lễ rước tượng mã, một trò diễn nhằm tạo không khí vui tươi cho lễ hội.
Sáng ngày mùng 7 tháng Giêng, người dân hai làng tiến hành tế lễ tại đình làng, sau đó tổ chức rước voi, ngựa về đình Cả. Ngày mùng 8 tháng Giêng là ngày chính hội với lễ rước Chúa Gái và trình diễn “Bách nghệ khôi hài”. Chúa Gái được rước từ nhà ra đình Cả để thực hiện lễ tế các vị Thánh vương, trong sự chứng kiến của đông đảo dân làng và du khách.
Nghi thức tế lễ linh thiêng
Lễ tế các Vua Hùng diễn ra tại đình Cả với đầy đủ nghi thức dâng hương, dâng trà, dâng rượu, dâng hoa quả và lễ hiến sinh (mổ lợn đen nguyên con phủ mỡ chài). Lễ vật đều được chuẩn bị kỹ lưỡng với mong ước cầu cho mùa màng bội thu, dân làng mạnh khỏe, cuộc sống an lành.
Dưới tiếng trống, chiêng vang vọng, lễ tế diễn ra trong không khí uy nghiêm, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham dự và chiêm bái.
Sau nghi thức rước Chúa Gái về đình Cả, lễ tạ được tổ chức để kết thúc lễ hội. Chúa Gái và hai tỳ nữ sẽ trút bỏ xiêm y, mũ áo, chờ đợi đến mùa hội năm sau. Gia đình Chúa Gái cùng các tỳ nữ cũng dâng lễ vật tạ đình, sau đó phân phát lộc cho dân làng.
Giá trị văn hóa truyền thống
Lễ hội rước Chúa Gái không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là di sản văn hóa quý giá, phản ánh tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Qua hàng nghìn năm, người dân hai làng Vi, Trẹo vẫn giữ gìn và phát huy truyền thống này như một cách để tưởng nhớ công đức của các Vua Hùng, cũng như các tướng lĩnh, vợ con thời Hùng Vương dựng nước.
Lễ hội không chỉ là một sự kiện văn hóa tâm linh mà còn là biểu tượng của sự trường tồn và gắn kết cộng đồng, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam cho các thế hệ mai sau./.