Trong tháng đầu năm 2025, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới sụt giảm đáng kể, chỉ đạt 76,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/2, đến hết tháng 1/2025, ngành kinh doanh bất động sản trên cả nước ghi nhận 273 doanh nghiệp thành lập mới, tương đương 76,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh là 2.153, tăng lên 107,7% so với năm trước. Số doanh nghiệp giải thể ghi nhận 122 trường hợp, bằng 81,9% so với tháng 1/2024.
Điểm sáng trong bức tranh chung của thị trường là số doanh nghiệp quay lại hoạt động tiếp tục tăng mạnh, đạt mức tăng cao nhất với 151%. Cụ thể, tháng đầu năm 2025, có 974 doanh nghiệp bất động sản hoạt động trở lại, bằng 151% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, trong tháng 1/2025, dòng vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam có dấu hiệu giảm.
Tính đến hết tháng 1/2025, ngành này vẫn đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với gần 1,09 tỷ USD, chiếm 23,5% trong tổng hơn 4,33 tỷ USD vốn đăng ký vào Việt Nam, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, tính đến cuối năm 2024, ngành bất động sản thu hút 6,31 tỷ USD vốn ngoại, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng 1,64 tỷ USD so với năm 2023.
Trong năm 2024, nhiều địa phương đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng, góp phần tháo gỡ vướng mắc và cải thiện nguồn cung bất động sản theo từng quý.
Cụ thể, cả nước có 59 dự án nhà ở thương mại hoàn thành với khoảng 16.720 căn (bằng 101,72% so với năm 2023); 28 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với khoảng 20.284 căn (bằng 146% so với năm trước).
Về các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (phân lô), cả nước có 67 dự án hoàn thành với khoảng 6.667 lô/nền (bằng 72,04% so với năm 2023).
Trong năm 2024, tổng lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ đạt khoảng 137.386 căn (tăng 2,2% so với năm 2023), còn giao dịch đất nền đạt 446.899 lô/nền (tăng 38,1% so với năm trước).