Mạng xã hội, bên cạnh những tác động tích cực, giúp tự do biểu đạt, đang bộc lộ nhiều mặt trái, trong đó có những tác động tiêu cực tới thị trường, bị lợi dụng để quảng cáo sai sự thật hoặc lan truyền sai sự thật làm ảnh hưởng tới các thương hiệu của tổ chức, cá nhân.
Công nghệ số phát triển đã làm hình thành nhiều thị trường mới, trong đó có thị trường KOL, KOC, Influencer - thị trường dịch vụ của những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng xã hội. Bằng danh tiếng và ảnh hưởng của mình, những người này có khả năng góp phần quan trọng làm cho việc kinh doanh hàng hóa nhanh chóng hơn, thúc đẩy các hoạt động kinh tế năng động hơn. Tuy nhiên, thị trường này đang méo mó vì việc kiểm soát mạng xã hội còn nhiều bất cập.
Dư luận vừa dậy sóng với nhiều vụ việc KOL/KOC bị phát hiện sử dụng danh tiếng của mình để quảng cáo hàng hóa không đúng sự thật, như trường hợp của hoa hậu Thùy Tiên trong vụ án kẹo Kera, giờ lại đang xôn xao với thông tin Chu Thanh Huyền - một người nổi tiếng và là vợ của cầu thủ bóng đá cũng rất nổi tiếng Quang Hải - làm đơn tố giác người khác dùng nền tảng mạng xã hội vu khống, xúc phạm danh dự.
Chu Thanh Huyền nổi tiếng trên mạng xã hội với tư cách là một người tham gia hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội. Gần đây, hàng loạt video được đăng tải và bị làn truyền rộng rãi trên nền tảng mạng xã hội, trong đó các Tiktoker, Facebooker "bóc phốt", suy đoán về quá khứ, đời sống tình cảm, quan hệ cá nhân và thậm chí cả những thông tin liên quan đến gia đình cô, cho rằng cô "dựa hơi chồng để nổi tiếng", thậm chí đưa ra bình phẩm mang tính xúc phạm nhân phẩm như "giả tạo", "sống ảo", "chiêu trò PR"...
Chu Thanh Huyền tham gia hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên MXH
Vấn đề đặt ra là không thể để mạng xã hội đóng vai trò như một “tòa án online” được quyền phán xét cá nhân, tổ chức chỉ trên cơ sở tin đồn, dù tin đồn đó, sau này, được cơ quan chức năng xác định là đúng hay sai.
Hành vi vi phạm pháp luật
Trong trường hợp các thông tin lan truyền trên mạng xã hội, như các thông tin đang lan truyền về Chu Thanh Huyền, được xác định là bịa đặt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự.
Trao đổi với Thạc sỹ, Luật sư Trần Thị Bích Ngọc (Đoàn luật sư tỉnh Lai Châu) về vấn đề trên, bà Ngọc cho rằng: “Cần khẳng định rằng, quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân là quyền được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ tuyệt đối. Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Tại điều 32 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền cá nhân đối với hình ảnh ghi nhận: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Vì vậy, bất cứ ai cũng không có quyền sử dụng hình ảnh của người khác trên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý của họ, đặc biệt là việc sử dụng hình ảnh đó xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân họ.
Trong khi đó, Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội "Làm nhục người khác" có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù lên đến 5 năm tù giam. Ngoài ra, tội vu khống (Điều 156) cũng có thể áp dụng nếu có hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm người khác.
Ở lĩnh vực hành chính, theo Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP, hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống cá nhân trên mạng có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng, kèm theo yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm”.
“Trong trường hợp của Chu Thanh Huyền, các hành vi được phản ánh bao gồm: xuyên tạc đời tư, dựng chuyện sai sự thật, bình phẩm mang tính xúc phạm nhân phẩm, dựng video giật gân không có căn cứ... hoàn toàn có thể cấu thành hành vi vu khống và làm nhục người khác, đủ điều kiện để xử lý nghiêm trước pháp luật” - luật sư Ngọc cho biết thêm.
Phản ứng thế nào với các tin đồn một cách văn minh và cứng rắn?
Đối diện với các tin đồn mà bản thân cho là vô căn cứ, có yếu tố vu cáo, xúc phạm danh dự…, phản ứng theo hướng lên mạng xã hội để "ăn miếng trả miếng" được xem là thiếu văn minh.
Trong trường hợp cụ thể của Chu Thanh Huyền, người nổi tiếng này đã lựa chọn im lặng và thông qua con đường pháp lý để tự bảo vệ mình và gia đình. Phán quyết cuối cùng thuộc về các cơ quan chức năng nhưng đây là cách thức phản ứng đúng pháp luật, đáng khích lệ, đồng thời có tác dụng cảnh tỉnh cho những kẻ núp bóng mạng xã hội để bôi nhọ người khác.
Chu Thanh Huyền đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác để phản đối những hành vi mình cho là sai trái, thể hiện rõ nhận thức của cô về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cơ quan công an cùng nhiều cơ quan chức năng khác đã tiếp nhận đơn và đang
trong quá trình xử lý vụ việc.
Đơn khiếu nại, tố cáo của Chu Thanh Huyền tới các cơ quan chức năng
Ngay sau động thái này, báo chí cũng đã phản ánh việc một số cá nhân tham gia tung tin tiêu cực về Chu Thanh Huyền trong kinh doanh trực tuyến đã rút bài, rút đơn.
Các diễn biến này cho thấy phần nào tác động tích cực của việc phản ứng đúng pháp luật. Trong khí đó, không ít người nổi tiếng khác, khi vu khống trên mạng thường chọn cách thu mình trong im lặng, dẫn đến tình trạng các đối tượng xấu ngày càng lộng hành.
Nổi tiếng, có ảnh hưởng và kinh doanh trực tuyến một cách hợp pháp là
quyền của các cá nhân có sự thành công, được pháp luật bảo vệ. Không ai có quyền,
hoặc vì cạnh tranh, định kiến cá nhân, mà công kích người nổi tiếng, người có ảnh
hưởng kinh doanh trực tuyến hợp pháp bằng cách lan truyền thông tin sai sự thật.
Thông tin xấu về Chu Thanh Huyền lan truyền trên mạng xã hội
Dư luận đang chờ đợi phản hồi, phán quyết nghiêm
minh từ các cơ quan pháp luật trong vụ việc của Chu Thanh Huyền cũng như các vụ
việc tương tự khác với hy vọng môi trường kinh doanh trực tuyến sẽ ngày càng
lành mạnh./.