Quyết định đình chỉ viện trợ nước ngoài của Mỹ có thể dẫn đến có thêm hàng triệu ca tử vong do HIV/AIDS, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến châu Phi.
Cảnh báo do Giám đốc điều hành Cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc đưa ra.
Ban đầu, Mỹ đình chỉ mọi hoạt động thuộc Kế hoạch Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống về HIV/AIDS trong vòng 90 ngày, sau đó miễn trừ đối với thuốc điều trị theo chương trình. Các nhân viên y tế tuyến đầu ở châu Phi cho biết nhiều cơ sở y tế đã buộc phải đóng cửa do thiếu kinh phí.
Theo phân tích từ Quỹ Nghiên cứu AIDS (amfAR), chương trình này hiện đang hỗ trợ hơn 20 triệu bệnh nhân HIV/AIDS và cung cấp việc làm cho khoảng 270.000 nhân viên y tế.
Cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc cảnh báo việc thiếu viện trợ có thể dẫn đến nguy cơ số ca tử vong do HIV/AIDS tăng gấp 10 lần, lên đến 6,3 triệu người trong vòng 5 năm tới.
Nozuko Ngcaweni - bệnh nhân ở Nam Phi - chia sẻ: "Khi tôi nghe tin ngừng viện trợ, tôi cảm thấy rất lo lắng. Nếu tháng 2 này tôi không có thuốc điều trị thì sao, rồi tháng sau nữa? Tôi nhìn sang các bệnh nhân khác quanh mình, điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi đây?".
Ông Erick Okioma - thuộc Trung tâm thông tin HIV, ở thành phố Kisumu, Kenya - cho biết: "Nếu không có thuốc, như thuốc kháng HIV, thuốc điều trị lao, bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm. Đó là vấn đề về sống còn".
Mỹ là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức lớn nhất thế giới, với phần lớn các khoản tiền được phân bổ thông qua USAID. Tuy nhiên, ngay khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh đóng băng phần lớn viện trợ nước ngoài trong vòng 3 tháng.
Quyết định này khiến các tổ chức nhân đạo toàn cầu gặp khó khăn trong việc đối phó với hậu quả./.