Nam Phi đã tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia sau khi ghi nhận số ca ngộ độc thực phẩm dẫn tới cấp cứu và tử vong tăng mạnh thời gian qua ở nước này.
Số vụ ngộ độc thực phẩm gia tăng gần đây tại Nam Phi khiến hàng chục trẻ em tử vong và hàng trăm người phải nhập viện.
Bà Thembi Simelane - Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Phát triển Hiến pháp Nam Phi - đã đưa ra thông báo vào ngày 21/11 tại một cuộc họp báo được tổ chức tại Pretoria, thủ đô hành chính của nước này.
Thông báo được đưa ra sau khi báo cáo cho thấy có gần 900 trường hợp ngộ độc thực phẩm trên khắp các tỉnh trong cả nước kể từ tháng 9. Trong đó, các tỉnh Gauteng và KwaZulu-Natal là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ít nhất 22 trẻ em đã tử vong do các bệnh liên quan đến thực phẩm. Tình hình trên đã thúc đẩy Chính phủ Nam Phi ban hành các biện pháp khẩn cấp.
"Các cơ quan nhà nước, khu vực tư nhân, cộng đồng, các cá nhân phải tuân thủ luật, tiêu chuẩn và quy trình về an toàn thực phẩm, quy trình đăng ký kinh doanh hiện hành" - bà Simelane tuyên bố, đồng thời kêu gọi người dân luôn cảnh giác.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Phát triển Hiến pháp Nam Phi - bà Thembi Simelane (Ảnh: Gallo Images)
Chính phủ Nam Phi đã yêu cầu các cửa hàng bán đồ ăn nhanh, cơ sở dịch vụ ăn uống có 21 ngày để đăng ký đảm bảo các quy định và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Cơ sở nào không đáp ứng được sẽ phải đóng cửa. Chính quyền các địa phương phải tuân thủ tuyên bố quản lý thảm họa.
Giới chức Nam Phi nhận định việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột khiến các hóa chất này còn tồn dư trong thực phẩm có thể là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Bà Simelane cho biết việc thực hiện các quy định tiêu chuẩn ở khu vực nông thôn và thị trấn bắt đầu từ xử lý chất thải và thực hành tái chế đúng cách, giải quyết vấn nạn chuột phá hoại, dẫn đến việc sử dụng các hóa chất nguy hiểm và bị cấm như thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột gây hại.
Theo bà Simelane, Chính phủ Nam Phi đang nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu thanh tra viên giám sát việc tuân thủ quy định của các cửa hàng bán đồ ăn nhẹ. Bà đồng thời cho biết thêm rằng đội ngũ nhân viên thực thi pháp luật đang có mặt để thanh tra các cửa hàng, một số chủ cửa hàng đã bị bắt vì bán thực phẩm hết hạn, cũng như hàng giả.
Theo Chính phủ Nam Phi, việc phân loại thảm họa quốc gia là nhằm kích hoạt các hành động ứng phó với vấn nạn ngộ độc thực phẩm.