Ngành kim cương Israel đi tìm "ánh sáng" trong thời cuộc cạnh tranh

Nhật Linh - Thứ hai, ngày 26/05/2025 17:53 GMT+7

Từng là quốc gia tốp đầu trong ngành kim cương hơn nửa thế kỉ, Israel đang bị chậm lại trong cuộc đua kim cương với Dubai và Ấn Độ. Israel đang nỗ lực tìm kiếm con đường để "hồi phục" ngành này.

Ngành kim cương Israel đi tìm "ánh sáng" trong thời cuộc cạnh tranh
Ngành kim cương Israel đi tìm lại "hào quang" trong thời cuộc cạnh tranh (Ảnh: timesofisrael.com)

Ngành công nghiệp kim cương Israel đang phải vật lộn để duy trì sự sống còn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt và sự thiếu hụt hỗ trợ từ chính phủ.

Israel từng là quốc gia thuộc tốp đầu thế giới trong ngành kim cương trong suốt hơn nửa thế kỷ, chỉ đứng sau Bỉ. Tuy nhiên, Israel đã dần đánh mất lợi thế cạnh tranh khi các trung tâm mới nổi như Dubai của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Ấn Độ đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Điều đáng nói, cả hai quốc gia này đều học hỏi trực tiếp từ mô hình của Israel: UAE xây dựng Sàn giao dịch Kim cương dựa trên mô hình của Ramat Gan, trong khi Ấn Độ tiếp thu công nghệ chế tác và phương pháp sản xuất từ chính các chuyên gia Israel.

Hiện nay, doanh thu của Israel trong ngành kim cương chỉ còn khoảng 7-8 tỷ USD, giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh cao là 20 tỷ USD. Trong khi đó, Dubai đã vươn lên vượt mốc 20 tỷ USD - một con số phản ánh rõ việc thời thế đã thay đổi trong ngành này.

Theo ông Nissim Zuaretz, Chủ tịch Sàn giao dịch Kim cương Israel, nguyên nhân chính đến từ sự thờ ơ của chính phủ. Ông cho rằng không được hưởng các chính sách ưu đãi như Dubai, nơi có khu thương mại tự do và hệ thống thuế thân thiện. Dubai đã có 25.000 công ty hoạt động thì Israel đang mất dần cả nhân lực lẫn cơ hội.

Mặc dù Chính phủ Israel cam kết sẽ thành lập tổ công tác để xem xét thiết lập khu thương mại tự do và sửa đổi chính sách thuế, nhưng theo ông Zuaretz, tình hình không thay đổi. Theo nhiều chuyên gia, Israel hiện đã trở thành một cường quốc công nghệ và quốc phòng - với các lĩnh vực như an ninh mạng, AI, công nghệ y tế, vũ khí tiên tiến - mang lại giá trị gia tăng cao hơn và thu hút nhiều đầu tư quốc tế hơn. 

Chính phủ Israel có xu hướng ưu tiên các ngành “tương lai”, mang tính chiến lược và gắn chặt với quốc phòng, hơn là một ngành truyền thống như kim cương, vốn được coi là đã đạt đỉnh phát triển.

Từng là ngành cung cấp hàng chục nghìn việc làm, năm 2016, ngành công nghiệp kim cương đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cho nền kinh tế Israel, tạo việc làm trực tiếp cho 20.000 hộ gia đình. Thế nhưng hiện nay, nhờ tự động hóa và chuyển dịch sản xuất sang các nước có chi phí thấp như Ấn Độ, ngành kim cương tại Israel không còn tạo ra nhiều việc làm cho người dân. 

Chính phủ khó có động lực “cứu” một ngành không còn đóng vai trò chủ lực trong tạo việc làm. Chính vì vây, ngành công nghiệp kim cương Israel đang tự đổi mới để thích ứng với thời cuộc. Chủ tịch Zuaretz đã mạnh tay cải cách như giảm 50% lệ phí thành viên, nới lỏng điều kiện gia nhập để thu hút lớp trẻ và phi truyền thống - những người không có quan hệ gia đình trong ngành kim cương. 

Chỉ trong ba tháng, đã có 50 thành viên mới gia nhập, và hơn 100 người đang chờ xét duyệt. Song song đó, doanh nghiệp cũng chuyển mình theo hướng tiếp cận thị trường tiêu dùng. Công ty DN Diamonds do ông Zuaretz sáng lập đã mở cửa hàng trang sức tại Miami, thu hút những khách hàng nổi tiếng như Ivanka Trump và Kim Kardashian, đồng thời đầu tư vào một trung tâm kim cương lớn tại Israel phục vụ thị trường nội địa. 

Trước mối đe dọa từ thuế quan Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, ông Zuaretz đã trực tiếp gửi thư cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu đề nghị sự hỗ trợ. Mỹ là điểm đến của hơn 60% kim cương Israel, nên mức thuế 10% là một gánh nặng. Một phái đoàn của Bộ Tài chính Israel cũng đã đến Washington để đàm phán, trong đó kim cương là một trong những chủ đề trọng tâm. Ông Zuaretz cho rằng Israel vẫn có ưu thế nhờ vào chất lượng và danh tiếng. "Chúng tôi là nhà cung cấp chính cho Cartier, Van Cleef, Tiffany’s. Họ muốn làm việc với Israel", ông nói. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu không có cải cách thực sự, ngành sẽ tiếp tục suy giảm./. 

Bài liên quan
Theo Hải quan Việt Nam, tháng 4/2025, xuất khẩu cá tra sang các thị trường đạt gần 175 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Lũy kế xuất khẩu cá tra 4 tháng đầu năm đạt 640 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Theo Hải quan Việt Nam, tháng 4/2025, xuất khẩu cá tra sang các thị trường đạt gần 175 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Lũy kế xuất khẩu cá tra 4 tháng đầu năm đạt 640 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Thêm một mặt hàng nông sản được xuất khẩu ra các nước trên thế giới là sản phẩm hành tím Ninh Hải của tỉnh Ninh Thuận.
26/05/2025
Từ ngày 5/5 vừa qua, Bộ Công Thương thống nhất một đầu mối cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), triển khai số hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp...
26/05/2025
Để đạt được mục tiêu thặng dư thương mại hàng hóa 30 tỷ USD trong năm nay, doanh nghiệp cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường, linh hoạt ứng phó với hàng rào thuế quan...
26/05/2025
Bạn có bao giờ tự hỏi một viên kim cương, một chiếc túi xách hàng hiệu đã trải qua những công đoạn nào, được làm từ đâu và trong điều kiện nào không? Giờ đây, mọi thông tin về "cuộc đời" sản phẩm đều có thể được hé lộ chỉ bằng một mã QR.
26/05/2025
Tin mới