Thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) giả không chỉ là hiểm họa sức khỏe tiềm tàng mà còn là nguyên nhân gây ra những "vụn vỡ" về niềm tin trong xã hội. Khi những sản phẩm chăm sóc sức khỏe trở thành mảnh đất màu mỡ cho gian thương trục lợi, người dân – đặc biệt là phụ nữ, trẻ em – lại là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Cái giá sức khỏe và sinh mạng phải trả từ một viên thuốc giả
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 1 trong 10 loại thuốc tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình là thuốc giả hoặc kém chất lượng. Chuyên gia về sức khoẻ nhấn mạnh: “Thuốc và TPCN giả đang trở thành hiểm họa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người bệnh mạn tính”.
Trẻ em sử dụng thuốc hạ sốt, kháng sinh giả có thể dẫn đến co giật, mất nước nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Với phụ nữ mang thai, các loại vitamin, sắt, canxi không rõ nguồn gốc có thể gây dị tật thai nhi, sảy thai hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ và bé. Thậm chí, Thực phẩm chức năng (TPCN) làm đẹp, giảm cân chứa hóa chất cấm có thể làm tổn thương gan, thận, rối loạn nội tiết.
Không dừng lại ở đó, kháng sinh giả còn góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh – một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang ngày càng trầm trọng. WHO ước tính, thuốc kháng sinh giả điều trị viêm phổi gây ra tới 72.000 ca tử vong trẻ em mỗi năm. Cùng với đó, thiệt hại kinh tế toàn cầu do thuốc giả có thể lên tới 30,5 tỷ USD/năm.
Thực phẩm chức năng giả: Lợi bất cập hại, nguy cơ tích tụ độc tố âm thầm
Không như thuốc – vốn được quản lý nghiêm ngặt – thị trường TPCN hiện nay vẫn còn kẽ hở lớn trong quản lý hậu kiểm. Nhiều sản phẩm bị phát hiện chứa kim loại nặng, vi khuẩn, tạp chất độc hại, thậm chí là dược chất không công bố. Hậu quả là người dùng phải đối diện với hàng loạt nguy cơ: từ tổn thương gan thận, rối loạn tiêu hóa, dị ứng, đến các bệnh mạn tính nguy hiểm như suy gan, ung thư.
Trong khi đó, việc sử dụng TPCN giả trong thời gian dài không chỉ làm mất cơ hội điều trị bệnh mà còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây loạn khuẩn đường ruột và làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe hiện tại.
Vụ việc Herbitech: Một lời cảnh báo mạnh mẽ về giám sát thị trường
Sự việc Công ty Herbitech bị cáo buộc sản xuất TPCN giả – trong đó có các sản phẩm dành cho trẻ em – như một “hồi chuông cảnh báo” cho toàn ngành dược và hệ thống bán lẻ thuốc.
Hàng loạt thuốc giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị Công an TP. Hà Nội phát hiện. Ảnh: Công an TP. Hà Nội.
Pharmacity, một trong những chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam, đã chủ động tạm ngừng kinh doanh, thu hồi toàn bộ sản phẩm liên quan và hoàn tiền 100% cho khách hàng dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Đại diện hệ thống chia sẻ, họ gặp không ít khó khăn trong việc xác thực giấy tờ kiểm định sản phẩm do phải phụ thuộc nhiều vào hồ sơ từ nhà cung cấp.
Tương tự, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu cũng thừa nhận người dân đang ngày càng e ngại sử dụng thuốc và TPCN, kể cả những sản phẩm chính hãng đã được kiểm chứng, vì lo ngại "vạ lây" từ các vụ việc hàng giả. Điều này dẫn đến tâm lý ngại điều trị, trì hoãn thăm khám – gây hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Làm gì để chặn đứng mối nguy từ thuốc và TPCN giả?
Chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng khi chọn mua sản phẩm y tế:
- Mua thuốc và TPCN tại các nhà thuốc, cơ sở y tế uy tín, được cấp phép.
- Kiểm tra kỹ tem chống giả, bao bì, hạn sử dụng, giấy tờ công bố sản phẩm.
- Tránh mua hàng xách tay, hàng rao bán online giá rẻ bất thường.
- Không tự ý dùng thuốc, TPCN mà không có chỉ định từ bác sĩ.
- Khi nghi ngờ sản phẩm giả, cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc Bộ Y tế.
Sức khỏe là điều cần quan tâm trong xã hội, nhưng trong một thị trường vẫn còn tồn tại kẽ hở quản lý, người tiêu dùng rất dễ trở thành nạn nhân của những trò trục lợi phi đạo đức. Việc đấu tranh với thuốc và TPCN giả không chỉ là cuộc chiến của ngành y tế mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống – từ quản lý nhà nước, doanh nghiệp đến người dân. Niềm tin – một khi đã bị tổn thương – rất khó để phục hồi. Vì vậy, hơn bao giờ hết, sự minh bạch, trách nhiệm và hành động quyết liệt là điều tối quan trọng để bảo vệ người dân và gìn giữ uy tín thị trường chăm sóc sức khỏe./.