Nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ do chiến tranh thương mại toàn cầu

PV(t/h) - Thứ sáu, ngày 25/04/2025 10:38 GMT+7

Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà phân tích tiếp tục đưa ra cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ có thể đối mặt với suy thoái, hậu quả từ căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ do chiến tranh thương mại toàn cầu
Người dân Mỹ chịu mức giá "không tưởng" khi lệnh áp thuế quan của Tổng thống Mỹ có hiệu lực. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, ông Francois Villeroy de Galhau, bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp thuế quan mà Mỹ áp đặt lên nhiều quốc gia, cùng với sự bất ổn thương mại đang lan rộng, có thể dẫn đến cú sốc tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu – mà nền kinh tế Mỹ sẽ là bên hứng chịu trực tiếp và mạnh mẽ nhất. Theo ông Villeroy, viễn cảnh suy thoái tại Mỹ – điều tưởng như không thể xảy ra chỉ ba tháng trước – giờ đây hoàn toàn có khả năng.

Ông nhấn mạnh, dù tác động lên khu vực đồng euro có thể nhỏ hơn, nhưng vẫn đủ để làm giảm ít nhất 0,25 điểm phần trăm trong GDP của năm 2025. Trái với lo ngại của một số chuyên gia cho rằng chiến tranh thương mại có thể khiến lạm phát tăng vọt, ông Villeroy cho rằng tác động ròng từ những căng thẳng này có thể khiến giá cả đi xuống, đồng thời khẳng định hiện không có rủi ro lạm phát đáng kể nào tại châu Âu.

Ngoài ra, ông cũng bày tỏ quan ngại về việc sự độc lập và uy tín của các ngân hàng trung ương đang bị đe dọa. Những áp lực gần đây lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đặc biệt là các chỉ trích liên tiếp từ Tổng thống Donald Trump đối với Chủ tịch Jerome Powell, đã làm dấy lên mối lo ngại trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, việc ông Trump rút lại tuyên bố sa thải ông Powell trong tuần này đã phần nào trấn an giới đầu tư. Ông Villeroy gửi lời cảm ơn tới Chủ tịch Fed vì đã thể hiện cách điều hành ngân hàng trung ương một cách đáng ngưỡng mộ trong bối cảnh nhiều áp lực.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves cũng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về những hệ lụy từ chính sách thuế quan đối với nền kinh tế toàn cầu. Trước chuyến công du tham dự Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới, bà Reeves khẳng định thế giới đang bước vào một kỷ nguyên thương mại toàn cầu mới, trong đó các hàng rào thuế quan có thể để lại những tác động sâu sắc, không chỉ với kinh tế thế giới mà cả nước Anh.

Trong khuôn khổ hội nghị này, bà Reeves dự kiến sẽ gặp gỡ người đồng cấp Mỹ – ông Scott Bessent – người đang dẫn đầu các cuộc đàm phán thương mại của chính quyền Tổng thống Trump. Mục tiêu là thúc đẩy đàm phán nhằm đưa nước Anh thoát khỏi các mức thuế cao mà Mỹ đang áp dụng.

Người dân Mỹ dưới sức ép thuế quan của Tổng thống Trump

Tại Mỹ, ngày càng có nhiều ý kiến chỉ trích rằng các chính sách thuế quan không chỉ không mang lại lợi ích như kỳ vọng mà còn tạo ra những tổn thương nghiêm trọng cho chính nền kinh tế trong nước. Cựu Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã gọi đây là “vết thương tự gây ra tệ hại nhất” và cảnh báo rằng kể cả khi các mức thuế hiện tại được dỡ bỏ, nước Mỹ vẫn sẽ duy trì mức thuế trung bình cao nhất kể từ năm 1934.

Một nghiên cứu từ Đại học Yale cũng dự báo chi phí sinh hoạt của người dân Mỹ sẽ tăng mạnh, với giá tiêu dùng dự kiến tăng thêm 2,3% trong năm nay, tương đương mỗi hộ gia đình phải gánh thêm khoảng 3.800 USD. Các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, quần áo, giày dép và linh kiện ô tô sẽ trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến các hộ gia đình có thu nhập thấp – những người vốn đã gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với sự leo thang của giá cả.

Trước nguy cơ suy thoái kinh tế rõ rệt không chỉ ở Mỹ mà còn trên phạm vi toàn cầu, giới chuyên gia cho rằng nhu cầu điều chỉnh chính sách vĩ mô theo hướng linh hoạt và phù hợp đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết./. 

Bài liên quan
Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp mới, mở đường cho việc đẩy mạnh khai thác khoáng sản dưới đáy biển sâu. Sắc lệnh này được đưa ra trong bối cảnh nhiều khu vực dưới đáy Thái Bình Dương và các đại dương khác được cho là chứa trữ lượng khổng lồ các kết hạch đa kim dùng cho sản xuất xe điện và đồ điện tử.
Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp mới, mở đường cho việc đẩy mạnh khai thác khoáng sản dưới đáy biển sâu. Sắc lệnh này được đưa ra trong bối cảnh nhiều khu vực dưới đáy Thái Bình Dương và các đại dương khác được cho là chứa trữ lượng khổng lồ các kết hạch đa kim dùng cho sản xuất xe điện và đồ điện tử.
Ngày 24/4, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Quách Gia Côn (Guo Jiakun) – đã bác bỏ thông tin cho rằng Bắc Kinh và Washington đang tiến hành các cuộc tham vấn hoặc đàm phán liên quan đến thuế quan.
25/04/2025
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 3/2025, xuất khẩu cá tra sang các thị trường tiếp tục tăng trưởng 16%, đạt 182 triệu USD, đưa lũy kế kim ngạch xuất khẩu cá tra quý I/2025 đạt hơn 465 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024.
25/04/2025
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc trong quý I/2025 đã giảm 0,2%, đánh dấu mức giảm hàng quý đầu tiên kể từ quý II/2024.
25/04/2025
Liên minh các hiệp hội ngành ô tô Mỹ vừa kiến nghị Tổng thống Donald Trump ngừng áp thuế 25% với linh kiện ô tô nhập khẩu.
25/04/2025
Tin mới