Nguyên phụ liệu dệt may, da giày chung nỗi lo thách thức thuế quan

Theo VOV - Thứ năm, ngày 05/06/2025 12:53 GMT+7

Ngành dệt may và da giày Việt Nam trong thách thức thuế quan mới từ Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu, còn tác động lớn đối với quá trình nhập khẩu, tự chủ nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Nguyên phụ liệu dệt may, da giày chung nỗi lo thách thức thuế quan
Việt Nam cần thu hút đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm dệt may.

Trong bối cảnh thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu nội địa, các doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày đang phải phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu, làm giảm khả năng cạnh tranh và khó tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo cơ hội mở rộng - đa dạng hóa thị trường.

Phụ thuộc làm giảm lợi thế cạnh tranh

Sản phẩm giày dép xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang đứng thứ hai trên thế giới với số lượng lên đến 1,3 tỷ đôi mỗi năm, tập trung tại các thị trường châu Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso), thách thức lớn nhất với ngành hiện nay là những bất ổn kinh tế thế giới, ngành hàng da giày bị phụ thuộc rất nhiều vào tình hình của thị trường toàn cầu, bởi trên 90% sản phẩm giày dép đang dành cho xuất khẩu. Rủi ro về thuế quan của Mỹ là một tác động cực kỳ lớn, khi tỷ trọng xuất khẩu da giày vào Mỹ chiếm tới 40%.

Bên cạnh đó, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày dù đã chiếm khoảng 55%, trong đó sản phẩm giày đã chiếm được tới 70%-80%, nhưng thách thức lớn nhất vẫn là phụ thuộc vào nguyên phụ liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc, vì thế đòi hỏi cần phải có chiến lược mới trong giai đoạn tiếp theo. “Đó là chưa kể các hàng rào phi thuế quan ngày càng nhiều và nghiêm ngặt, đang làm tăng chi phí và yêu cầu chặt chẽ tính tuân thủ của DN, tạo ra rủi ro về chuỗi cung ứng và hậu cần”, bà Xuân nêu.

Tương tự đối với ngành hàng dệt may, với các FTA Việt Nam đang thực thi yêu cầu quy tắc xuất xứ 2 công đoạn (từ vải trở đi), sản phẩm dệt may phải đảm bảo xuất xứ từ sợi, trong khi các DN trong nước chưa đầu tư được nhiều vào khâu sợi dệt nhuộm là thách thức với DN nếu không đáp ứng được yêu cầu từ các nhãn hàng. Chính vì thế, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ sản xuất các đơn hàng đã ký là hướng cấp thiết trong thời gian tới.

Về tỷ trọng thị trường xuất khẩu, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, năm 2024 dệt may Việt Nam đã xuất khẩu gần 44 tỷ USD, trong đó xuất vào Mỹ 16,6 tỷ USD, chiếm 38,2%. Trong khi đó, thị trường Trung Đông được đánh giá khá tiềm năng, nhưng dệt may Việt Nam chưa khai thác được nhiều (chưa đến 1%) và châu Phi mới khai thác được 0,34%.

“Dệt may đang đối mặt với thị trường biến động bởi những thay đổi về chiến lược dệt may từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững. Nhiều thị trường đề ra các tiêu chuẩn mới, các yêu cầu tự chủ nguồn nguyên phụ liệu để tận dụng ưu đãi thuế của các FTAs, điều này phát sinh nhu cầu nhân lực và nguồn vốn rất lớn cho sản xuất nguyên phụ liệu, chuyển đổi kép và kinh tế tuần hoàn…”, ông Cẩm cho biết.

Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa

Đa dạng hoá thị trường, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu giúp khai thác tốt các thị trường FTA là giải pháp lâu dài để duy trì đà xuất khẩu hiện nay. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Lefaso Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần hỗ trợ DN nghiên cứu thị trường chuyên sâu, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu xuất khẩu và giúp kết nối các khách hàng tiềm năng.

Mặt khác, các cơ quan Thương vụ giúp DN thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút nhà đầu tư sản xuất, nhà phân phối nguyên phụ liệu nước ngoài vào đầu tư sản xuất và xây dựng các chuỗi, các kênh phân phối nguyên phụ liệu, nhằm đa dạng hóa nguồn cung và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành hàng da giày tại Việt Nam.

Với ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas kiến nghị Bộ Công Thương tích cực đàm phán với Mỹ không tăng thuế nhập khẩu dệt may. Đồng thời hỗ trợ triển khai các khu công nghiệp dệt, nhuộm và các khu công nghiệp dệt may lớn, thu hút đầu tư vào sản xuất vải, nguyên phụ liệu để tăng tỷ lệ nội địa hóa theo Chiến lược dệt may và da giày đã được phê duyệt.

Bài liên quan
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (WIPHA), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Công điện số 4702/CĐ-EVN ngày 20/7/2025, yêu cầu các đơn vị thành viên khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (WIPHA), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Công điện số 4702/CĐ-EVN ngày 20/7/2025, yêu cầu các đơn vị thành viên khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp.
Thị trường Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn về giá cả, ưu tiên mua sắm những mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm có tính bền vững, trách nhiệm với xã hội, cũng như yêu cầu về chất lượng và thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngày càng cao…
05/06/2025
UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần khoáng sản Năng lượng xanh Việt Nam với số tiền 320 triệu đồng.
05/06/2025
Bộ Công Thương đang tích cực chuẩn bị cho việc triển khai lộ trình mới về sử dụng xăng sinh học tại Việt Nam, với mục tiêu chuyển sang sử dụng xăng E10 (pha 10% ethanol vào xăng khoáng) trên toàn quốc từ ngày 1/1/2026.
05/06/2025
Sau sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh chuyển mình thành siêu đô thị 14 triệu dân, giữ vai trò hạt nhân kinh tế vùng.
05/06/2025
Tin mới