Trước áp lực về nhà ở, nhiều nhóm thu nhập trung bình đang gặp khó khăn để tìm nhà phù hợp với thu nhập.
Gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Với hàng loạt dự án nhà xã hội đang hoặc sắp triển khai có thể giúp cho Hà Nội thêm 12.000 căn hộ giá rẻ, chủ yếu ở khu vực phía Bắc của Thành phố.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Thành phố có thể hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra cho năm nay với hơn 4.700 căn nhà từ 6 dự án nhà xã hội tại các khu vực như Bắc Từ Liêm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh... Khu vực cửa ngõ phía Bắc Thủ đô cũng đang có loạt dự án được triển khai. Tuy nguồn cung phục hồi nhưng giá nhà xã hội lại có xu hướng tăng từ 15-20%, lên mức 27-30 triệu đồng/m2.
Cần đa dạng phân khúc nhà ở cho đô thị
Trung tâm đô thị lớn là nơi có đa dạng phân khúc thu nhập nhất. Tuy nhiên, trước áp lực về nhà ở, nhiều nhóm thu nhập trung bình đang gặp khó khăn để tìm nhà phù hợp với thu nhập. Nhà xã hội không đủ điều kiện, còn nhà thương mại lại không với tới. Các chính sách về nhà ở có lẽ cần chú tâm hơn đến phân khúc này, bởi hầu hết đều là tri thức đang đóng góp cho tăng trưởng chất lượng cao mà đô thị hướng tới.
Chị Đỗ Tiểu Quyên - nhân viên văn phòng đang tìm mua một căn nhà ở TP. Hồ Chí Minh. Việc này kéo dài nhiều năm chưa thực hiện được, bản thân vẫn phải đi thuê căn hộ với mức 6 triệu đồng mỗi tháng và gia đình ở xa không yên tâm.
Chị Đỗ Tiểu Quyên - Công ty Cổ phần Biz Việt Nam cho biết: "Thu nhập của chúng em ở khoảng 20 -25 triệu, phân khúc nhà cao hơn hẳn rất khó nếu như không có hỗ trợ của gia đình. Phương án nhà ở xã hội cần phải có sự xét duyệt".
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ trọng căn hộ bình dân sụt giảm mạnh, từ mức 20% năm 2018 còn 0,5% năm 2020 trước khi biến mất hoàn toàn vào năm 2021. 4 tháng đầu năm 2025, toàn Thành phố có 3.286 căn hộ, tất cả đều là phân khúc rất cao, trên 80 triệu đồng/m2.
Theo một doanh nghiệp bất động sản, để bù khoảng trống này, cần có sự phân luồng nhu cầu và thu nhập thông qua đăng ký.
Bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Bất động sản Kim Oanh nêu ý kiến: "Tôi thấy phù hợp, một là không dư thừa nhà. Thứ hai là phân luồng phù hợp người lao động, người công nhân và người trí thức".
Quỹ nhà ở quốc gia cũng được chuyên gia và doanh nghiệp coi là phương án hiệu quả để bù khoảng trống phân khúc nhà trung bình.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành nhận định: "Việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia là một tin đáng mừng. Và tôi cho rằng, về lâu dài, chúng ta phát triển điều này tốt sẽ có nguồn tiền ổn định, lâu dài và phù hợp để giúp cho các doanh nghiệp làm nhà ở vừa túi tiền cũng như nhà ở xã hội".
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đưa ra ý kiến: "Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sử dụng Quỹ phát triển nhà ở quốc gia để hỗ trợ cho người trẻ mua nhà, cho nên vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao tăng nguồn cung nhà ở xã hội, đồng thời phát triển, tăng nguồn cung nhà ở thương mại, giá vừa túi tiền".
Trong thực tế, nhà ở xã hội giá dưới 25 triệu đồng/m2 ngày càng ít ở đô thị lớn, do quỹ đất, do chi phí đầu tư cao. Trong khi như TP. Hồ Chí Minh đang là nơi sử dụng nhiều nhân lực tri thức trẻ - đối tượng này lại chưa có nhà. Do vậy, Quỹ nhà quốc gia được xem là phương án giải quyết hiệu quả về vốn và quỹ nhà cho thuê.