VTV.vn - Ngày 10/10/1954 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Trong lịch sử hơn 1.000 năm, Thăng Long, Hà Nội đã chứng kiến những trận quyết chiến chiến lược như trận Đông Bộ Đầu kết thúc cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất và trận Ngọc Hồi - Đống Đa đẩy lùi quân nhà Thanh.
Và cách đây hơn 50 năm, thắng lợi của trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, đã đánh dấu vai trò lịch sử của vùng đất Thủ đô, luôn gắn bó mật thiết với vận mệnh dân tộc.
Đêm 18/12/1972, từng hồi còi báo động vang khắp thủ đô Hà Nội báo hiệu máy bay Mỹ sắp đến. Lần đầu tiên, Hà Nội đối mặt với siêu pháo đài bay B-52.
Chiếc còi báo động công suất lớn trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội - chính là một phần lịch sử của trận chiến Điện Biên Phủ trên không.
Hà Nội trụ vững sau những trận bom huỷ diệt. Thắng lợi của "Điện Biên Phủ trên không" sau 12 ngày đêm là những mảnh ghép quan trọng góp phần tạo nên bức tranh hòa bình.
Những mảnh ký ức về “Hà Nội một thời đạn bom” nhắc nhớ thế hệ hôm nay hiểu hơn giá trị hai chữ "hòa bình".
Trong những năm tháng ấy, người Hà Nội nơi sơ tán trông ngóng về Thủ đô dưới bão đạn, mưa bom... Rồi thành phố kiêu hùng chuyển mình từ chiến tranh sang hòa bình.
Những mảnh ký ức mà nhiều người Hà Nội không thể nào quên. Và với nhà văn Trung Sỹ, ông chọn lưu giữ chúng trong những đứa con tinh thần như "Hà Nội mũ rơm và tem phiếu".
Nhà văn Trung Sỹ (Tác giả "Hà Nội mũ rơm và tem phiếu") chia sẻ: "Chúng tôi nhìn những quả tên lửa bắn lên và nhìn thấy cả những chiếc B52 cháy. Đấy là những kí ức về những ngày tháng 12. Sau khi về đến Hà Nội, gặp người thân, gặp lại những bạn bè cũ đi sơ tán, lúc đấy tôi mới cảm thấy rằng đất nước hòa bình là niềm hạnh phúc lớn lao nhất".
Vần thơ cổ "Thăng Long phi chiến địa" đã gửi gắm trong đó khát vọng hòa bình, bởi Thăng Long - Hà Nội đã nhiều phen thành chiến địa, trong đó có trận Điện Biên Phủ trên không. Hồ Hoàn Kiếm với truyền thuyết về vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Thần Rùa khi tắt lửa chiến tranh chứa đựng một triết lý trường tồn: "chiến tranh là vạn bất đắc dĩ, hòa bình mới là mục tiêu lâu dài".
Hà Nội ngày nay vẫn còn nhiều dấu tích chiến tranh. Chúng ta nhìn vào đó để cảm nhận lịch sử hào hùng của Thủ đô, để nhắc nhớ thế hệ hôm nay hiểu hơn giá trị hai chữ "hòa bình".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!