Phát hiện đường dây làm giả thuốc đông y “chữa xương khớp, dạ dày” quảng bá rầm rộ trên Facebook

VTV Times - Chủ nhật, ngày 25/05/2025 12:52 GMT+7

Công an tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện một số đối tượng có dấu hiệu sử dụng mạng xã hội để kinh doanh thuốc giả, gắn mác thuốc đông y.

Phát hiện đường dây làm giả thuốc đông y “chữa xương khớp, dạ dày” quảng bá rầm rộ trên Facebook
Số thuốc chữa bệnh giả bị Công an tỉnh Thái Nguyên thu giữ.

Ngày 24/5, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, đơn vị đang mở rộng điều tra hai vụ việc liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, được các đối tượng quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thái Nguyên phát hiện một số đối tượng có dấu hiệu sử dụng mạng xã hội để kinh doanh thuốc giả, gắn mác thuốc đông y chữa các bệnh xương khớp, dạ dày, đại tràng với quảng cáo "uy tín, hiệu quả".

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng An ninh mạng và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra một ngôi nhà tại phường Cam Giá, TP Thái Nguyên.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện Hồ Thị Hoa (SN 1989, trú tại phường Cam Giá) cùng một số người khác đang thực hiện hành vi đóng gói nhiều hộp thuốc nghi là thuốc điều trị bệnh.

Khai nhận với cơ quan công an, đối tượng Hoa cho biết đã mua thuốc bán thành phẩm trôi nổi trên thị trường, sau đó thuê người đóng gói, dán nhãn mang tên một loại thuốc Đông y của người khác nhằm tạo sự tin tưởng với khách hàng.

Hoa còn tổ chức mô hình kinh doanh bài bản với các nhóm tư vấn, nhóm chốt đơn và nhóm đóng hàng. Nhóm tư vấn sử dụng fanpage trên Facebook để nhắn tin, gọi điện cho khách, chốt đơn hàng rồi chuyển thông tin cho Hoa in đơn, sau đó chuyển cho nhóm đóng hàng để gửi cho khách.

Trung bình mỗi tháng, nhóm của Hoa bán được khoảng 1.000 sản phẩm, thu lợi khoảng 200 triệu đồng.

Cùng thời điểm, một tổ công tác khác tiến hành kiểm tra nơi ở của Đỗ Tiến Hùng (SN 1993, trú tại xã Đào Xá, huyện Phú Bình). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều loại thuốc thành phẩm và bán thành phẩm, chủ yếu là thuốc trị xương khớp, không rõ nguồn gốc.

Hùng khai nhận toàn bộ số thuốc này được thu mua trôi nổi trên thị trường, sau đó thuê người đóng gói, dán nhãn gắn mác thuốc Đông y nhằm đánh vào tâm lý người tiêu dùng chuộng thuốc Nam, thuốc thảo dược.

Đối tượng Hùng thuê 9 người làm việc, thiết lập fanpage, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, tư vấn qua điện thoại để mời gọi khách hàng. Trung bình mỗi tháng, nhóm của Hùng bán ra khoảng 2.000 sản phẩm, thu lợi bất chính khoảng 400 triệu đồng.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều tang vật liên quan như máy đóng gói, tem nhãn, điện thoại, máy tính, cùng hàng trăm sản phẩm thuốc thành phẩm và bán thành phẩm.

Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Thái Nguyên tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật./. 

Bài liên quan
Chính quyền địa phương, các hiệp hội ngành hàng, người nông dân cần có giải pháp đồng bộ, nhằm hoàn thiện các yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường nông sản, đặc biệt là yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật.
Chính quyền địa phương, các hiệp hội ngành hàng, người nông dân cần có giải pháp đồng bộ, nhằm hoàn thiện các yêu cầu về tiêu chuẩn của thị trường nông sản, đặc biệt là yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật.
Cục Hải quan công bố vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu với tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 17 tỷ đồng.
25/05/2025
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa chủ lực của cả nước. Tùy theo từng vụ mà diện tích và năng suất lúa có chênh lệch, nhưng sản lượng lúa cả năm luôn đạt hơn 20 triệu tấn. Năm nay, vùng ĐBSCL phấn đấu đạt trên 24 triệu tấn để phục vụ xuất khẩu.
25/05/2025
Trong thời đại mà sức khỏe được đặt lên hàng đầu, “ăn sạch – sống khỏe” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành phong cách sống của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ thành thị, dân văn phòng và các bà mẹ bỉm sữa. Nhưng đằng sau vẻ ngoài xanh mướt, liệu có bao nhiêu phần là thực sự tốt cho sức khỏe và bao nhiêu phần chỉ là chiêu trò đánh lừa thị giác và niềm tin người tiêu dùng?
25/05/2025
Đây là những sản phẩm thường xuyên được một số cá nhân quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.
25/05/2025
Tin mới