Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm

Theo VTV - 10/01/2025

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh tập trung hơn nữa cho công tác phòng ngừa vi phạm về an toàn thực phẩm, khi phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo.

Sáng 9/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về tổng kết công tác năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Cập nhật cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm

Tại cuộc họp, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, năm 2024, ngành Y tế kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra. Trong đó, đã xử phạt 6.658 cơ sở với số tiền hơn 33,5 tỷ đồng (số cơ sở bị phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, số tiền phạt tăng 1,69 lần). Lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 8.959 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, tăng 1.854 vụ (26%) so với năm 2023, với 8.978 đối tượng (tăng hơn 27%); khởi tố 62 vụ, 97 bị can.

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải; từ Trung ương đến địa phương có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế.

Cho ý kiến tại cuộc họp, Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết, công tác phòng ngừa là biện pháp hàng đầu, bên cạnh đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nhất là về chế tài xử phạt, việc xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn, từ đó nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho ý kiến đóng góp về hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử, hình thức kinh doanh online, đặc điểm của loại hình kinh doanh này là không có địa điểm kinh doanh cố định, tính ẩn danh, danh không thực, điều này gây ra nhiều khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Do đó, các ý kiến thống nhất cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.

thu-truong-do-xuan-tuyen-62972210572823513983299.jpg

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm, đồng thời mong muốn, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo cập nhật dữ liệu vào hệ thống này.

Tập trung phòng ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận, trong thời gian qua, các bộ, ngành đã có cố gắng, đạt những kết quả có thể lượng hóa được; tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật, triển khai các đề án, chương trình liên quan đến an toàn thực phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm; đổi mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân.

Về những tồn tại, hạn chế, số lượng các vụ vi phạm còn tăng; một số giải pháp, chính sách còn chậm được thực hiện.

pho-thu-tuong-le-thanh-long-2-81795209947478318396029.jpg

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo.

Về phương hướng nhiệm vụ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc thống nhất quan điểm chung là tập trung hơn nữa cho công tác phòng ngừa, khi phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm. Công tác phối hợp thực hiện liên ngành là quan trọng, cần tập trung làm tốt. Công tác tuyên truyền phải toàn diện hơn, nhất là tuyên truyền về các chế tài xử lý vi phạm, nâng cao nhận thức người dân.

Về công tác xây dựng văn bản pháp luật, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi.

Về cơ sở dữ liệu và chuyển đổi số trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có báo cáo chi tiết và có thể tổ chức một cuộc họp chuyên đề của Ban Chỉ đạo bàn về vấn đề này để xem xét việc kết nối dữ liệu của các bộ, ngành.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét những vấn đề nảy sinh để việc tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được thông suốt.

Trong dịp đầu năm và Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương tập trung triển khai tốt các công tác đảm bảo an toàn thực phẩm./.

Bài liên quan
Mức lạm phát lên tới 3 chữ số của quốc gia Nam Mỹ đã đẩy giá hàng hóa trong nước lên tương đối cao.
Mức lạm phát lên tới 3 chữ số của quốc gia Nam Mỹ đã đẩy giá hàng hóa trong nước lên tương đối cao.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã lập kỷ lục 7,2 tỉ USD, cao hơn 1,6 tỉ USD so với năm 2023.
10/01/2025
Bước sang năm 2025, ngành gạo đối diện không ít khó khăn khi giá gạo xuất khẩu và nội địa đồng loạt giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong hai năm qua. Điều này đặt ra bài toán cấp bách về việc ổn định giá cả, bảo vệ lợi ích của nông dân và duy trì đà phát triển bền vững.
10/01/2025
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, việc điều hành giá cả và bình ổn thị trường đã được xác định là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, giữ vững niềm tin của người dân và doanh nghiệp.
10/01/2025
Bộ Công Thương đang tiếp tục yêu cầu EVN nghiên cứu số liệu và đánh giá tác động của giá điện hai thành phần, báo cáo Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho phép áp dụng theo lộ trình, không áp dụng đồng loạt ngay cho các đối tượng.
10/01/2025
Tin mới