Chiều ngày 9/1 tại Vientiane, Lào. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào 2025.
Tham dự Hội nghị còn có Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó thủ tướng Lào Saleumxay Kommasith; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam Phet Phomphiphak; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đông đảo đại diện doanh nghiệp hai nước.
Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào năm 2025 với chủ đề “Thúc đẩy cùng Phát triển bền vững và Thịnh vượng”. Đây là sự kiện quan trọng để hai nước cùng nhau tổng kết, đánh giá kết quả hợp tác đầu tư năm 2024 và bàn giải pháp thực hiện Kế hoạch hợp tác năm 2025 vừa được Chính phủ hai nước thông qua sáng cùng ngày, đồng thời cũng nghe các ý kiến phát biểu, đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ về tình hình thế giới và trong nước, trong đó nêu rõ, thế giới đang trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đa cực hóa về trật tự chính trị; đa dạng hóa về phát triển kinh tế - văn hóa; số hóa mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; đòi hỏi mọi quốc gia cần gắn kết với nhau cùng hợp tác và đấu tranh vì lợi ích và sự thịnh vượng chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Lào là quan hệ đặc biệt và có đặc thù riêng "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa", "chung dải Trường Sơn" vì vậy phải có cơ chế đối xử với nhau một cách đặc biệt, từ trái tim đến trái tim để phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với nhau.
Với phương châm "giúp bạn là giúp mình", Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước đoàn kết thống nhất, giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ, cùng lắng nghe thấu hiểu, cùng làm, cùng thắng, cùng phát triển, cùng chia sẻ niềm vui và hạnh phúc và niềm tự hào.
Thủ tướng nhấn mạnh, hai nước đã đoàn kết thống nhất rồi thì càng phải đoàn kết thống nhất hơn nữa, các doanh nghiệp hai nước cũng phải vậy, phải đoàn kết làm vì sự phát triển chung của hai đất nước, phải đặt lợi ích của hai đất nước lên trên hết để làm, vì sự phát triển chung của hai đất nước, vì sự tri ân của những người đã ngã xuống vì độc lập tư do cho cả hai đất nước.
Đầu tư Việt Nam sang Lào tăng mạnh; Lào xuất siêu sang Việt Nam
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu về môi trường, chính sách thu hút đầu tư vào Lào; tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào thời gian qua và định hướng hợp tác đầu tư thời gian tới; đánh giá về tiềm năng hợp tác đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai nước, nhất là trong các lĩnh vực khoáng sản, nông nghiệp, hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế biến, vận tải, logistics, du lịch... Các doanh nghiệp cũng đề xuất, kiến nghị chính phủ hai nước nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp hai nước phát triển.
Năm 2024, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư được quan tâm, thúc đẩy, và thu được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đầu tư của Việt Nam sang Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2024, vốn đăng ký đầu tư sang Lào là 191,1 triệu USD, tăng 62,1% so với năm 2023.
Lũy kế đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Lào đạt 267 dự án, với tổng vốn đăng ký là 5,7 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 2,8 tỷ USD, duy trì vị trí thứ ba sau Trung Quốc và Thái Lan đầu tư tại Lào. Đóng góp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của doanh nghiệp Việt Nam cho Lào trong 5 năm trở lại đây đạt bình quân khoảng 200 triệu USD/năm. Trong khi dự án của Lào đầu tư sang Việt Nam còn rất ít.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào năm 2024 ghi dấu ấn khi tổng kim ngạch thương mại hai nước vượt ngưỡng 2,2 tỷ USD, tăng 33,9% so với năm 2023, trong đó đáng ghi nhận là Lào đã xuất siêu sang Việt Nam khoảng 732,7 triệu USD. Đạt được kết quả này có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các doanh nghiệp đề xuất chính phủ hai nước sớm triển khai cơ chế "2 cửa khẩu, 1 điểm dừng" nhằm giảm thiểu ùn tắc, khai thông hàng hóa thông thương thuận lợi giữa hai nước; sớm triển khai đường cao tốc Hà Nội-Vientiane, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và phát triển du lịch; khuyến khích các đối tác liên doanh với nước thứ ba tham gia đầu tư tại Lào; thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn của Việt Nam sang đầu tư tại Lào, tạo hiệu ứng dẫn dắt; tăng cường các chuyến bay Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh-Vientiane, cũng như các tuyến đến các thành phố lớn khác nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp hai nước…
Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế tương xứng với quan hệ hai nước
Bày tỏ băn khoăn, phải chăng những hạn chế trên là do thể chế, cơ chế chính sách còn hạn hẹp, hạ tầng kết nối cứng, kết nối mềm, đặc biệt là hạ tầng giao thông giữa Việt Nam-Lào còn khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan hai nước phải chung tay, xử lý dứt điểm các vướng mắc để “có đầu ra” cho các dự án, với tinh thần “phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm."
Cho biết Việt Nam đang thúc đẩy thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó hoàn thiện thể chế chính sách, cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành hai nước cần lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển; thúc đẩy kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; kết nối doanh nghiệp từ nước thứ 3; cùng triển khai các khu công nghiệp tại mỗi nước.
Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp hai bên, với tinh thần “vướng mắc ở đâu, thì tháo gỡ ở đó; khó khăn ở cấp nào thì cấp đó tháo gỡ," Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương giải quyết các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển; mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Lào cùng chung tay tháo gỡ vướng mắc để các doanh nghiệp nói riêng và hai nền kinh tế nói chung gặt hái những thành công mới, vững vàng bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ hơn.
Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho biết, thời gian qua, Chính phủ hai nước đã rất nỗ lực, tập trung cùng nhau đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối 2 nền kinh tế và với khu vực, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, đầu tư; tích cực đôn đốc xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào các ngành, lĩnh vực phù hợp kế hoạch, ưu tiên phát triển kinh tế; xem xét áp dụng một số chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tư.
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone phát biểu.
Thủ tướng Sonexay Siphandone cũng cho biết, Chính phủ Lào đang tiếp tục tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời triển khai các chiến lược lớn về hội nhập và kết nối kinh tế; phát triển bền vững, xanh; chuyển đổi số; nêu rõ, Chính phủ hai nước có quyết tâm cao và nhất trí hai bên cần tập trung phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy hội nhập và kết nối, đặc biệt là thúc đẩy các dự án kết nối với Việt Nam như các dự án đường sắt, đường bộ, cảng biển Vũng Áng 1, 2, 3; thúc đẩy hợp tác hàng không…
Thủ tướng Sonexay Siphandone kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam và Lào tăng cường tìm hiểu các cơ hội hợp tác, đầu tư trên các lĩnh vực, nhất là đẩy mạnh hợp tác phát triển các khu công nghiệp để tăng cường chế biến sâu các nguyên liệu của Lào, trên cơ sở Việt Nam có kinh nghiệm phát triển các khu công nghiệp như khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP); phát triển năng lượng sạch, năng lượng gió… cũng là những lĩnh vực khuyến khích đầu tư.
Thủ tướng Lào lưu ý các doanh nghiệp đầu tư vào Lào cần quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả đất đai, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, Trí tuệ Nhân tạo (AI) để nâng cao năng lực sản xuất, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động Lào…
Thủ tướng Sonexay Siphandone mong hai bên phát huy truyền thống hợp tác tốt đẹp, tiếp tục tổ chức thêm nhiều diễn đàn, hội nghị thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, tương xứng mối quan hệ đặc biệt hết sức tốt đẹp giữa hai nước.
Tại Hội nghị, có 13 giấy chứng nhận đầu tư và thoả thuận hợp tác đầu tư được trao cho doanh nghiệp hai nước. Trong đó, phía Việt Nam trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho Công ty cổ phần Điện gió SDVIC với Dự án Nhà máy điện gió Savan1; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam với Dự án tổ hợp trang trại bò sữa tại Lào; Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội với Dự án Ngân hàng MB Lào.
Phía Lào trao Phụ lục Hợp đồng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương với Dự án khai thác bauxite và xây dựng nhà máy chế biến Alumin tại Lào; Hợp đồng phát triển 5 dự án thủy nhỏ ở huyện Ka Lưm, tỉnh Sekong cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương; Hợp đồng tô nhượng cho Dự án Nhà máy điện gió Savan 1; Giấy phép xây dựng cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam triển khai Dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào.
Doanh nghiệp hai bên đã trao 6 thỏa thuận, ghi nhớ hợp tác, gồm Tập đoàn Sovico và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải trao Hợp đồng về Tư vấn Khảo sát, Lập quy hoạch tổng thể Dự án Phát triển hệ thống Cảng hàng không, Sân bay tại Lào cho Bộ Giao thông công chính Lào; Biên bản ghi nhớ giữa VietnamAirlines và Lao Airlines về việc tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác song phương; Thỏa thuận về việc thu xếp vốn cho dự án nhà máy điện gió Savan 1 giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện gió Savan 1; Thỏa thuận về việc thu xếp vốn cho dự án Nhà máy nhiệt điện Xekong giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhiệt điện Xekong; Thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Cục Chăn nuôi và Thủy sản Lào và Công ty Cổ phần Tập đoàn Nông Sản Việt-Lào; Thỏa thuận hợp tác ba bên giữa Viện khoa học phát triển nhân lực và hợp tác quốc tế (IHC) và Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA) và Hội doanh nghiệp trẻ Lào (YEAL).
Đại diện Viện (IHC) và Hội (AVILA) Và Hội ( YEAL) trao thảo thuận hợp tác ba bên trước sự chứng kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone cùng lãnh đạo hai nước.
Ngay sau hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào công bố khuôn khổ thanh toán bản tệ và kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR giữa Việt Nam-Lào.
Với khuôn khổ pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng cho sử dụng bản tệ trong thanh toán, chuyển tiền Việt-Lào đã được hoàn thiện trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian qua, hai bên thống nhất khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng bản tệ trong hoạt động thương mại, đầu tư hai nước, bước đầu khuyến khích các tập đoàn, tổng công ty xem xét thực hiện hợp đồng ngoại thương, hợp đồng đầu tư giữa hai nước bằng bản tệ.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo bộ, ngành hai nước đã bấm nút chính thức công bố kết nối dịch vụ thanh toán bán lẻ sử dụng mã QR - Dự án được kỳ vọng thúc đẩy du lịch, tiêu dùng và giao lưu nhân dân giữa hai nước, đồng thời khuyến khích sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán bán lẻ song phương./.
Tối cùng ngày 09/01/2025, chào mừng thành công tốt đẹp của Hội nghị liên Chính phủ Việt Nam - Lào lần thứ 47 và Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào 2025. Viện khoa học phát triển nhân lực và hợp tác quốc tế (IHC) và Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA) long trọng tổ chức chương trình Gala giao lưu doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội nghị và doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và Lễ Kỷ niệm 15 năm (10/01/2010 - 10/01/2025) ngày thành lập Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA). Đã để lại ấn tượng khó quên, đó là: Khơi dậy sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống vĩ đại và đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào anh em; Tạo nên khoảnh khắc cho chúng ta nhìn lại trong thời gian qua. Ýnghĩa lớn nhất là tạo động lực mới, khí thế mới, thời vận mới cho chúng ta cùng nhau tăng cường hơn "sự đoàn kết - đổi mới sáng tạo - hợp tác - phát triển", nhằm thực hiện thắng lợi chỉ đạo xuyên suốt của hai Thủ tướng tại hai Hội nghị lớn nêu trên về hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào là: "THÚC ĐÂY CÙNG PHÁT TRIỀN BÊN VỮNG VÀ THỊNH VƯỢNG". Góp phần thiết thực vào sự nghiệp vun đắp cho mỗi quan hệ truyền thống vĩ đại, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào mãi mãi trường tồn với thời gian.