Trước áp lực từ các mức thuế quan mới của Mỹ, hoạt động xuất khẩu nông sản của Mỹ, đặc biệt là đậu tương và thịt lợn sang một số tỉnh của Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng. Khó khăn này lại chính là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu nông sản khác như Brazil, Argentina.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu nông sản của Mỹ, bao gồm đậu tương và thịt lợn, đã giảm mạnh từ ngày 11-17/4/2025, sau khi căng thẳng thuế quan với Trung Quốc leo thang. Doanh số bán đậu tương ròng của Mỹ giảm 50% so với tuần trước đó, trong khi doanh số bán thịt lợn giảm 72% trong cùng kỳ. Trung Quốc đã cắt giảm nhập khẩu đậu tương của Mỹ và giảm lượng thịt lợn dự kiến nhập khẩu từ Mỹ trong năm 2025.
Số liệu của USDA cũng cho thấy Trung Quốc đã giảm 12.000 tấn thịt lợn mua từ Mỹ, giảm tổng doanh số bán hàng trong tuần kết thúc vào ngày 17/4 xuống chỉ còn 5.800 tấn. Ngành nông nghiệp Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi thuế quan vì các sản phẩm như đậu tương và thịt lợn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Kể từ tháng Một, Mỹ đã liên tục áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, gây ra một vòng tranh chấp thương mại mới. Đáp lại, Trung Quốc đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp đối phó. Bắt đầu từ ngày 10/3, Trung Quốc đã áp thuế 15% đối với thịt gà, lúa mì, ngô và bông có nguồn gốc từ Mỹ và 10% đối với lúa miến, đậu tương, thịt lợn, thịt bò, hải sản, trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa.
Giới phân tích nhận định rằng, thuế quan của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc chuyển sang mua nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn từ các nước khác, do đó làm giảm thị phần của Mỹ trên thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc đã tích cực đa dạng hóa nhập khẩu nông sản trong những năm gần đây, với Brazil vượt qua Mỹ để trở thành nhà cung cấp đậu tương lớn nhất. Thị phần của Mỹ trong nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc đã giảm từ 40% xuống chỉ còn 18% trong giai đoạn 2016-2024.
Trung Quốc nhập khẩu 416.000 tấn thịt lợn từ Mỹ, chiếm 18% tổng lượng thịt lợn nhập khẩu năm ngoái. Năm 2024, Trung Quốc là thị trường thịt lợn lớn thứ ba của Mỹ, trong khi Mỹ là nhà cung cấp thịt lớn thứ ba cho Trung Quốc, sau Brazil và Argentina.
Tuy nhiên, trước áp lực từ thuế quan, Trung Quốc có thể tìm đến nhiều lựa chọn khác từ các nhà xuất khẩu nông nghiệp như Brazil, Argentina và Australia, những quốc gia có chính sách thương mại cởi mở hơn so với Mỹ./.