Thuốc, thực phẩm chức năng bị đổ trộm: Nghi vấn hàng giả, hệ lụy thật

VTV Times - Chủ nhật, ngày 08/06/2025 00:00 GMT+7

Nơi sản xuất ghi trên bao bì hộp thuốc, thực phẩm chức năng ở bãi đất trống tại huyện Bình Chánh trùng với tên các công ty trong đường dây sản xuất và buôn bán hàng giả.

Thuốc, thực phẩm chức năng bị đổ trộm: Nghi vấn hàng giả, hệ lụy thật
Thông tin trên bao bì sản phẩm trùng với tên công ty liên quan đến hàng giả. (Ảnh: A.T.).

Như thông tin trước đó của Thời báo VTV, chiều 6/6, hàng chục ngàn hộp thuốc, thực phẩm chức năng cho người lớn và trẻ em được phát hiện tại bãi đất trống (thuộc dự án Khu công nghiệp Phong Phú), đường Nguyễn Văn Linh, ấp 12, huyện Bình Chánh.

Nghi vấn thuốc, thực phẩm chức năng bị đổ trộm là hàng giả

Theo thông tin ghi trên bao bì, các sản phẩm được phát hiện do Công ty cổ phần dược phẩm MEDIUSA (Lô CN A5, KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) sản xuất; thương nhân chịu trách nhiệm sản phẩm là Công ty cổ phần dược phẩm MEDIUSA (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Công ty cổ phần dược phẩm liên doanh MEDIPHAR (KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội).

Qua đối chiếu, tên của hai công ty này trùng với tên các doanh nghiệp trong đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả, đã bị cơ quan công an triệt phá tháng 5 vừa qua.

package-media-09049223922327013481104.webp

Thông tin trên bao bì sản phẩm trùng với tên công ty liên quan đến hàng giả. (Ảnh: A.T.).

Hiện cơ quan chức năng đang trong quá trình làm rõ sự việc. Bước đầu ghi nhận có khoảng 50kg thuốc và thực phẩm chức năng được đổ trộm. Các sản phẩm đều có hạn sử dụng đến năm 2026, 2027, 2028 và còn nguyên tem bảo hành, mã QR.

Theo Thông tư 03/2020/TT-BYT của Bộ Y tế, trường hợp thuốc hết hạn, thuốc giả hoặc không rõ nguồn gốc phải bị thu hồi. Cơ sở có thuốc bị tiêu hủy phải tự thành lập hội đồng hủy thuốc và đảm bảo việc xử lý an toàn cho người, động vật và môi trường. Đồng thời, cơ sở phải báo cáo kết quả tiêu hủy kèm theo biên bản gửi về Sở Y tế địa phương.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, các sản phẩm bị đổ bỏ trái phép, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Một đại diện nhà thuốc tại TP Hồ Chí Minh (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Không loại trừ khả năng đây là hàng giả. Trong bối cảnh lực lượng chức năng đang siết chặt kiểm tra, các điểm phân phối nhỏ lẻ có thể lo ngại bị liên đới trách nhiệm nên không dám tiêu hủy theo đúng quy trình, mà chọn cách phi tang tại các khu đất trống”.

package-media-80495831650133175591885.webp

Phát hiện 5 bãi đổ thuốc và thực phẩm chức năng ở huyện Bình Chánh, trong đó 1 bãi đã cháy rụi. (Ảnh: CTV).

Những hệ lụy khó lường

Hệ luỵ môi trường là điều có thể thấy ngay khi hàng loạt sản phẩm nằm ngổn ngang giữa bãi đất trống. Nhưng điều khó đo đếm hơn là hệ lụy xã hội, sự hoang mang, khủng hoảng niềm tin của người dân khi thấy số lượng lớn sản phẩm liên quan đến sức khỏe bị vứt bỏ không rõ lý do.

Trong số sản phẩm bị đổ đống, có nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng dành cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú… như Vitamin A-D, Boss ăn ngon, yến sào, Pediababy… Thậm chí trên nhiều vỏ hộp còn ghi dòng chữ “nhãn hiệu được bác sĩ và dược sĩ khuyên dùng”.

24ed217b-6ed5-482c-b33f-e908c7af09ab-56798233051632201463897-96899456616371893748756.webp

Hàng loạt sản phẩm cho trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai tấp đống. (Ảnh: CTV).

“Tôi không biết những hộp thuốc, thực phẩm chức năng đó đã từng được bán ra thị trường hay chưa. Nhìn thấy cảnh này thì ai dám yên tâm mua thuốc bây giờ?”, chị T.H.D. - một người dân chia sẻ.

Trước câu chuyện này, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn: Nếu những sản phẩm này thực chất là hàng giả, vì sao chúng vẫn được đóng gói chuyên nghiệp, đầy đủ mã QR, tem bảo hành và tuồn ra thị trường? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những hệ lụy sức khỏe nếu người dân đã và đang sử dụng những sản phẩm như vậy?

Hiện Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã nắm được vụ việc và cử lực lượng xuống địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương, công an kiểm tra, thu giữ tang vật và xử lý theo thẩm quyền./.

Bài liên quan
Cục Quản lý Dược đã phát hiện các sản phẩm có công thức không đúng so với hồ sơ công bố, một số nhãn ghi sai lệch bản chất và tính năng vốn có, vi phạm nghiêm trọng quy định quản lý mỹ phẩm hiện hành.
Cục Quản lý Dược đã phát hiện các sản phẩm có công thức không đúng so với hồ sơ công bố, một số nhãn ghi sai lệch bản chất và tính năng vốn có, vi phạm nghiêm trọng quy định quản lý mỹ phẩm hiện hành.
Mẫu thuốc giãn phế quản Theophylin 100mg được phát hiện tại một nhà thuốc ở Bình Phước chỉ đạt 19,71% hàm lượng hoạt chất, không có thông tin về số đăng ký lưu hành hay đơn vị nhập khẩu. Cơ quan chức năng xác định đây là thuốc giả.
08/06/2025
Tại buổi khảo sát của Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội sáng 22/7, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã chỉ ra nhiều chiêu trò ngày càng tinh vi trong sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm giả, đồng thời đề xuất các giải pháp siết chặt quản lý trong bối cảnh số lượng cơ sở kinh doanh lớn, còn lực lượng kiểm tra thì mỏng.
08/06/2025
Trong bối cảnh quan hệ truyền thống ngày càng được củng cố và yêu cầu của tình hình mới, Việt Nam và Bulgaria đang đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là y tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
08/06/2025
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi nhiều lô mỹ phẩm cao cấp mang nhãn hiệu Image và Image Skincare do vi phạm nghiêm trọng về nhãn mác và công bố thành phần, đồng thời tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mới từ đơn vị phân phối tại Việt Nam.
08/06/2025
Tin mới